Hội Doanh Nghiệp Cơ Khí - Điện TPHCM

https://hamee.vn


Thay đổi chuỗi cung ứng: Cơ hội ở làn sóng thứ tư

fb1

Tại phiên thảo luận "Cơ hội ở làn sóng thứ tư", từ trái sang: bà Phan Thị Thùy Trâm – phụ trách  truyền thông Bộ Kế hoạch - Đầu; ông Bruno Jaspaert – tổng giám đốc tổ hợp khu công nghiệp DEEP C; ông Ooi Kim Huat – phó chủ tịch Sản xuất và Vận hành kiêm  tổng giám đốc công ty TNHH Intel Products Việt Nam; ông Vũ Tú Thành – phó giám đốc điều hành khu vực hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN và ông Đỗ Phước Tống – chủ tịch hội Doanh nghiệp Cơ khí Điện TP.HCM.

Bà PHAN THỊ THÙY TRÂM: Ông Ooi Kim Huat đánh giá thế nào về xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất hiện tại trên toàn cầu? Trong làn sóng dịch chuyển nói trên, quốc gia nào dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều nhất

Ông OOI KIM HUAT: Góc nhìn đầu tiên ở góc độ công ty có mặt ở nhiều thị trường như Intel. Có thể thấy do cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ nên bốn năm gần đây có sự dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc với tốc độ ngày càng nhanh hơn.

Mặc dù có những biến động về kinh tế và chính trị ở Hoa Kỳ, nhưng các vấn đề về thuế và căng thẳng thương mại sẽ vẫn tiếp diễn trong thời gian tới. Thế chủ động sẽ thuộc về những tập đoàn đa quốc gia có hoạt động kinh doanh và sản xuất của mình ở những nơi khác nhau, nên cân đối được hoạt động sản xuất.

Thứ hai, với công ty hiện chỉ hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, họ sẽ tìm cách dịch chuyển sang nơi khác. Trong các tiêu chí lựa chọn điểm đến kế tiếp, đứng đầu trong danh sách này là những nguồn lực sẵn có, và chi phí của những nguồn lực cần có cho sản xuất. Yếu tố thứ hai là các chính sách của chính phủ – yếu tố quan trọng tác động tới quyết định của nhà đầu tư.

Thứ ba là các chính sách dài hạn của chính phủ trong thu hút đầu tư, đương nhiên bao gồm cả những chính sách về phát triển hạ tầng.

Cuối cùng là một số chính sách về an sinh xã hội.

Theo bốn yếu tố này, ngoài Việt Nam, còn có Malaysia, Ấn Độ, Indonesia hay Thái Lan là những ứng cử viên sáng giá để trở thành điểm đến tiếp theo của những tập đoàn đa quốc gia. Thế mạnh nổi trội của Việt Nam là cách chính phủ đối phó, kiểm soát dịch bệnh. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia thành công khi chính phủ hết sức kiên quyết và nhanh chóng đối phó với dịch bệnh, kể cả khi có đợt dịch bệnh thứ hai ở Đà Nẵng.

Kết quả là chúng ta đã mở cửa và đang trên đà hồi phục nền kinh tế. Việt Nam cũng đã mở lại bảy chuyến bay thương mại, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài sang làm việc trực tiếp tại Việt Nam. Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, đam mê, nhiệt tình. Nếu hỏi đâu là điểm đến hấp dẫn nhất, tôi sẽ đưa Việt Nam lên đầu tiên.

Chúng ta nói đến làn sóng đầu tư thứ ba khi Intel quyết định đặt nhà máy ở Việt Nam năm 2006, nhiều yếu tố cơ bản của thị trường cho tới nay vẫn không thay đổi. Chúng tôi đến Việt Nam vì yếu tố con người, vì một chính phủ với những chính sách luôn hướng về phía trước, cơ sở hạ tầng... Chúng tôi có hoạt động kinh doanh rất quan trọng tại Việt Nam và sẽ tiếp tục xem Việt Nam là một trong những cứ điểm quan trọng, làm nền tảng, tiếp tục hành trình in dấu chân của Intel ra khắp thế giới của chúng tôi.

PHAN THỊ THÙY TRÂM: Việt Nam sẽ phải rút ra những bài học nào để nắm bắt thời cơ khi các chuỗi sản xuất phân bổ lại?
fb2

Ông VŨ TÚ THÀNH: Các công ty thành viên hiệp hội có cùng nhận xét với đại diện Intel. Điều tôi muốn nêu bật lên là thành tích chống Covid-19. Chính phủ Việt Nam phân biệt rất rõ ràng hai mục tiêu phát triển kinh tế và kiểm soát dịch bệnh. Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp đánh giá cao. Việt Nam dù có bị ảnh hưởng nhưng chiến lược chống Covid-19 đã có tác dụng hỗ trợ kinh tế.

Tôi muốn làm rõ một chuyện là không doanh nghiệp lớn nào trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ muốn rời bỏ khỏi thị trường Trung Quốc, bởi lẽ Trung Quốc vừa là một thị trường tiêu dùng, đồng thời cũng là cơ sở sản xuất để phục vụ thị trường thế giới. Do thương chiến và dịch bệnh nên doanh nghiệp sẽ nghĩ tới chuyện mở rộng khu vực sản xuất ngoài Trung Quốc để tránh thuế suất vào Hoa Kỳ, rất ít doanh nghiệp rút lui khỏi Trung Quốc.

Trước khi có thương chiến, đã có chính sách China+1, nghĩa là doanh nghiệp đa dạng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh. Giờ đây khi tất cả hệ quả của thương chiến, dịch bệnh khiến chúng ta cảm giác là quá trình này đang diễn ra nhanh hơn. Hai câu hỏi cần trả lời là số lượng các khoản đầu tư mới và giá trị mỗi khoản đầu tư có lớn không?

Về mặt số lượng, chúng tôi nhận thấy không có quá nhiều khoản đầu tư lớn như ở các làn sóng trước. Về quy mô, có hai dạng: một là có một vài dự án có quy mô rất lớn, lên tới vài trăm triệu đô la Mỹ, hai là có nhiều dự án mở rộng đầu tư ở Việt Nam.

PHAN THỊ THÙY TRÂM: Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ được xem như những ứng viên nổi bật khi các doanh nghiệp dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Từ góc độ của một đơn vị hoạt động trong ngành bất động sản công nghiệp, ông có thể chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề này?
fb3

Ông BRUNO JASPAERT: DEEP C có hoạt động ở Quảng Ninh và Hải Phòng, chúng tôi đã tăng gấp ba lần hoạt động và quy mô hoạt động trong hoàn cảnh của Covid-19 trong năm nay. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đầu tư mới vào Việt Nam đang gia tăng. Việt Nam đang cạnh tranh để thu hút đầu tư so với các quốc gia khác trong khu vực.

Từ góc nhìn của một doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp, tôi muốn giải thích những lý do khiến cho làn sóng đầu tư vào các khu công nghiệp ở Việt Nam đang ngày càng tăng. Có năm yếu tố tôi nghĩ là điểm mạnh của Việt Nam.

Thứ nhất, sự ổn định của tình hình chính trị, kinh tế và xã hội.

Thứ hai là quy mô dân số, lao động chăm chỉ và dân số trẻ.

Thứ ba, kiểm soát thành công dịch Covid-19.

Thứ tư, thời gian từ khi xin phép, xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động không quá dài, dù còn nhiều thứ liên quan đến thủ tục hành chính, giấy tờ.

Cuối cùng, căng thẳng thương mại thúc đẩy doanh nghiệp dịch chuyển.

Quan điểm cá nhân của tôi là cuộc chiến thương mại có thể dừng lại, nhưng thương chiến và Covid-19 đã thay đổi góc nhìn, đặc biệt là góc độ quản trị rủi ro của nhà đầu tư trong lựa chọn điểm đến.

PHAN THỊ THÙY TRÂM: Theo ông Ooi Kim Huat, vì sao Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn trong chuỗi giá trị toàn cầu?

OOI KIM HUAT: Sự ổn định của chính trị, kinh tế và xã hội là một điểm mạnh rất lớn của Việt Nam. Chính phủ có chính sách nhìn xa trông rộng trong việc thu hút các nguồn đầu tư, không riêng gì Intel mà các tập đoàn công nghệ cao khác. Những đồng nghiệp của tôi đã nói về tầm quan trọng của FDI, khi những nhà đầu tư FDI đến Việt Nam họ muốn hoạt động lâu dài ở đây.

Một trong những lợi thế lớn nhất của Việt Nam là nguồn nhân lực có chất lượng. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam có nguồn lực tốt, con người chăm lo lao động và tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để trở thành ứng viên tiềm năng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tôi cũng nghĩ đây là thời điểm quyết định để lên một nấc cao hơn trong chuỗi cung ứng. Chúng ta có thể bắt đầu từ những bước đầu tiên, ví dụ như tham gia vào quá trình thiết kế, dù chỉ là thiết kết đơn giản.

Một điều mà Intel nhìn thấy trong suốt quá trình chúng tôi làm việc ở Việt Nam là chưa có sự hợp tác giữa những nhà cung ứng địa phương và các tập đoàn nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên bắt đầu bằng cách khuyến khích tất cả các đối tượng trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo tham gia sâu hơn vào những công trình nghiên cứu khoa học, thiết kế các sản phẩm công nghệ cao. Đầu tư vào giáo dục và nguồn lực sẵn có là những bước đầu tiên chúng ta có thể bắt đầu ngay bây giờ.

Việt Nam làm tốt trong thu hút FDI thời gian qua và có thể làm tốt hơn, nếu cải cách thủ tục kinh doanh đơn giản hơn, môi trường kinh doanh thông thoáng hơn. Tiếp nữa là nội địa hóa chuỗi cung ứng. Trong chuỗi cung ứng của Intel, chúng tôi vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Chúng tôi cố gắng hỗ trợ các nhà cung ứng của Intel để họ có thể nâng tầm chất lượng sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Nếu có thể cung ứng được từ Việt Nam chúng ta sẽ giảm được thời gian, chi phí và làm cho chuỗi cung ứng hiệu quả hơn.

PHAN THỊ THÙY TRÂM: Có những thách thức gì khiến không nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia cung ứng linh phụ kiện có hàm lượng công nghệ cao dù có các nhà máy quy mô lớn được đầu tư?
fb4

Ông ĐỖ PHƯỚC TỐNG: Thách thức đầu tiên là nguồn lực kỹ thuật của doanh nghiệp. Thách thức thứ hai, cơ khí là một ngành thâm dụng vốn, máy móc thiết bị rất đắt và phải nhập từ những nước tiên tiến mới có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Đặc biệt trong ngành cơ khí ở Việt Nam, hiếm có nhà đầu tư nào đầu tư vào doanh nghiệp cơ khí, mà phần lớn là từ doanh nghiệp nhỏ phát triển lên.

Trong vài năm gần đây, việc cung ứng hàng hóa cho doanh nghiệp FDI ngày càng tăng, dù nguồn lực và nguồn vốn chưa được mạnh nhưng đã có những doanh nghiệp đầu tư mạnh để phát triển năng lực và đáp ứng được nhu cầu cho các doanh nghiệp FDI. Ví dụ như Samsung, trước đây chỉ dùng những sản phẩm nhập khẩu thì hiện tại đã có những đơn hàng lên tới hàng triệu đô la Mỹ khi họ thử dùng sản phẩm của nhà cung ứng Việt Nam và cảm thấy sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Khi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, kéo theo nhu cầu đối với nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, nhu cầu tăng cũng đi kèm với nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là chính sách để hỗ trợ ngành phát triển. Để ngành công nghiệp phát triển thì sản phẩm đầu cuối phải mạnh, thị trường đủ lớn thì doanh nghiệp mới dám đầu tư. Ví dụ ngành chế tạo máy đáng ra phải được phát triển sớm để làm đầu tàu kéo theo các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Trên thực tế tồn tại một số quy định chồng chéo, chẳng hạn như các loại máy móc nhập khẩu về Việt Nam thì thuế suất bằng 0, nhưng doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện về để chế tạo máy thì lại phải đóng thuế.

Hiện tại, cùng với sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn, những doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đang mạnh dạn hơn trong đầu tư vào mở rộng hoạt động kinh doanh và sản xuất, khi họ nhìn thấy tiềm năng của thị trường. Tôi nghĩ rằng nếu chính sách, quy định chồng chéo được tháo gỡ, ngành cơ khí sẽ phát triển hơn.

PHAN THỊ THÙY TRÂM: Câu chuyện phát triển công nghiệp phụ trợ hiện nay đang gặp bài toán con gà – quả trứng. Nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu đối tác cung ứng phải có trình độ sản xuất, công nghệ và sản lượng phù hợp. Trong khi nhà cung ứng trong nước thì lại e ngại về tiềm năng và hiệu quả của một khoản đầu tư lớn? Làm thế nào để giải quyết được bài toán này?

BRUNO JASPAERT: Có nhiều cơ hội ở Việt Nam, điều duy nhất bạn phải làm là tìm và nắm bắt. Tôi mất gần ba năm để tìm hiểu lý do công ty Việt Nam khó tìm ra cơ hội để tăng trưởng. Theo quan điểm cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm bắt được cách thức doanh nghiệp nước ngoài đòi hỏi hay cam kết.

Việc đầu tiên mà các doanh nghiệp trong nước phải làm không phải là đầu tư vào máy móc hay công nghệ, mà là đầu tư vào nguồn lực nội tại của các bạn. Các bạn hãy tìm các chuyên gia có kinh nghiệm để họ chỉ cho chúng ta cách làm đúng ngay từ thời điểm bắt đầu.

PHAN THỊ THÙY TRÂM: Là tập đoàn lớn, Intel làm thế nào để tìm kiếm nguồn nhân lực đầu vào chất lượng cao?
fb5

OOI KIM HUAT: Chúng tôi đầu tư khoảng 22 triệu USD, hợp tác với chính phủ và các đơn vị đào tạo để thay đổi chương trình đào tạo, phù hợp với thực tiễn, nâng cao chất lượng của các kỹ sư đầu ra. Chúng tôi cũng hỗ trợ đào tạo các kỹ sư đang làm việc cho nhiều tập đoàn lớn khác. Chúng tôi tự hào về hiệu ứng lan tỏa khi góp phần xây dựng nền tảng về hạ tầng và nguồn lực cao cho ngành công nghệ cao nói riêng, và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Một mối quan tâm lớn nữa của lãnh đạo doanh nghiệp là thế hệ kế cận, những người ở vị trí quản lý cấp cao (senior level). Từ trước tới nay, có nhiều công ty nước ngoài thường đưa chuyên gia hay quản lý cấp cao từ nước ngoài vào Việt Nam. Tôi nghĩ đã tới lúc chúng ta nên đưa những người tài ở Việt Nam ra nước ngoài để học tập, để cọ xát và đó là cách chúng ta tạo ra một nguồn lực kế cận, một thế hệ lãnh đạo mới để về giúp cho Việt Nam phát triển.

PHAN THỊ THÙY TRÂM: Ngoài điện tử – viễn thông đã thu hút được các doanh nghiệp nòng cốt như Intel, Samsung, LG, Panasonic, theo ông Vũ Tú Thành, nhóm ngành nào Việt Nam nên tập trung thu hút doanh nghiệp nước ngoài khi chuỗi giá trị đang được phân bổ lại?

VŨ TÚ THÀNH: Điều cốt lõi nhất tôi muốn nói là tới lúc chúng ta phải suy nghĩ về một xu hướng đầu tư mới, khi các khoản đầu tư tập trung vào những nền tảng mới, công nghệ mới mà trụ cột là chuyển đổi số. Xu hướng đó đến từ những nền tảng công nghệ toàn cầu (big tech) và họ để cá nhân, những doanh nghiệp lớn lẫn vừa và nhỏ ở Việt Nam có thể phát huy lợi thế trong kinh doanh, thực hiện những giao dịch trên một nền tảng toàn cầu.

Từ đó, độ phủ của doanh nghiệp Việt sẽ không chỉ dừng lại ở Việt Nam, mà sẽ vươn ra thế giới. Các nền tảng đến từ những tập đoàn công nghệ toàn cầu khi vận hành ở Việt Nam sẽ không phải sử dụng những nguồn tài nguyên như điện, nước, đất đai... Vậy chính phủ nên có những chính sách gì để khuyến khích các khoản đầu tư mới gia tăng hơn nữa. Điều đó cũng đồng nghĩa với chuyện khuôn khổ pháp lý sẽ phải bổ sung những điều khoản áp dụng cho hoạt động đầu tư vào nền tảng số, quản lý các công nghệ mới dựa trên những mô hình kinh doanh mới.

Từ quan sát của chúng tôi, chính phủ đang mường tượng ra những khuôn khổ pháp lý để áp dụng đối với các khoản đầu tư mới mẻ này, trong khi các khuôn khổ pháp lý, hay quy định hiện hữu của chính phủ phần lớn tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực truyền thống, ví dụ như nhóm ngành sản xuất.

Cuối cùng, tôi rất muốn nhắc tới một nhân tố quan trọng của nền kinh tế là khu vực kinh tế tư nhân. Các báo cáo mới nhất từ chính phủ trình Quốc hội cho thấy không gian tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân còn rất lớn. Tôi tin rằng sự kết hợp giữa những nền tảng công nghệ mới của nước ngoài và tiềm năng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân sẽ giúp Việt Nam tiếp tục vươn xa hơn nữa trong tương lai.

fb6

PHAN THỊ THÙY TRÂM: Quý vị có thể chia sẻ ngắn gọn thông điệp để các doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội khi nguồn đầu tư chất lượng sẽ rót vào trong tương lai?

ĐỖ PHƯỚC TỐNG: Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí – điện nói riêng và nhóm ngành công nghiệp phụ trợ nói chung đang ở trong một giai đoạn chuyển tiếp, từ dò dẫm thị trường sang giai đoạn mạnh dạn đầu tư khi nhìn thấy nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp không nên tập trung đầu tư vào các loại máy móc, thiết bị hay công nghệ mà hãy tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực.

VŨ TÚ THÀNH: Thông điệp của tôi là phải nền tảng hóa được mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, làm sao để tăng được số lượng giao dịch thông qua các nền tảng công nghệ.

OOI KIM HUAT: Chúng tôi vẫn đang hoạt động 100% công suất ở Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua. Chúng tôi sẽ không ngừng mở rộng trong tương lai.

BRUNO JASPAERT: Ở miền Bắc Việt Nam, chúng tôi vẫn đang phục vụ cho các khoản đầu tư rất lớn thông qua DEEP C, chủ yếu là các doanh nghiệp về điện tử, xe hơi. Tất cả khách hàng của chúng tôi đều đang ráo riết tìm kiếm thêm nguồn nhân lực và tìm kiếm nhà cung ứng.

(*) Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 90, tháng 11.2020

Nguồn tin: forbesvietnam.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây