Tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp nội và ngoại

Thứ ba - 07/06/2022 09:05
Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” với những định hướng rất rõ ràng, trong đó xác định đến năm 2021, khu vực kinh tế này sẽ đóng góp 50% - 60% GDP của nền kinh tế.

Cùng với đó, Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ban hành trong dịp này cũng khẳng định: “Thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại, năng lực quản trị tiên tiến”.

Sự ra đời của 2 văn kiện đã thổi luồng sinh khí mới giúp hồi sinh mạnh mẽ khối kinh tế tư nhân. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi, lắng nghe những kết quả tích cực và cả tâm tư của các doanh nghiệp trong năm 2018.
 

Ông Trần Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty Công nghiệp Ánh Dương Sài Gòn
Tại thị trường nội địa, hoạt động xuất khẩu tại chỗ thông qua chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm đầu cuối vẫn còn rất hạn chế. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp nội không thể cạnh tranh công bằng về giá thành sản xuất. Cụ thể, doanh nghiệp ngoại nhập khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được miễn giảm thuế nhập khẩu. Còn ở doanh nghiệp nội, khi nhập khẩu nguyên liệu, trang thiết bị về sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ bị đánh thuế nhập khẩu. Tùy theo dòng sản phẩm mà mức chịu thuế có thể dao động 5% - 15%.

Chưa hết, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư tại Việt Nam được nhận các ưu đãi về thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ giá điện… Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước phải đóng đầy đủ tất cả khoản thuế, phí trên, thậm chí còn phải tự tìm đất đầu tư nhà xưởng.

Như vậy, với xuất phát điểm chi phí đầu tư có sự chênh lệch quá lớn giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nội không thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập về giá thành. Đó cũng là lý do mà sản phẩm của doanh nghiệp nội sản xuất chỉ có thể xuất khẩu đến thị trường các nước phát triển nhưng lại rất khó tham gia xuất khẩu tại chỗ cho các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để có thể tăng nội lực phát triển cho doanh nghiệp nội, nhất thiết phải tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp nội cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tôi tin rằng, chỉ cần công bằng về chính sách đầu tư thì phần còn lại về chất lượng sản phẩm, chủng loại sản phẩm, trình độ quản trị, nhân lực, thậm chí yếu tố giao hàng đúng hẹn không phải là vấn đề đáng ngại với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
 

Ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty du lịch Dấu ấn Việt (VietMark)
Cần tiếp tục thực hiện giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, nhằm trợ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn kinh phí cho đầu tư mở rộng quy mô hoạt động, đặc biệt là hút các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở khu vực tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường thì có chính sách thuế suất đặc biệt hơn nữa, thậm chí miễn thuế (khoản % trợ thuế này bắt buộc phải sử dụng vào đầu tư nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô).

Tôi tin rằng tổng đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách sẽ tốt hơn cho dù giảm thuế suất.
 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam
 Ngành dệt may Việt Nam được cảnh báo đối diện 2 rào cản kỹ thuật lớn. Một là phải đạt tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội bao gồm tiêu chuẩn về an toàn môi trường, giảm thiểu phát thải, tiết kiệm năng lượng, an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Hai là cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển mạnh vào Việt Nam.

Do vậy, để doanh nghiệp dệt may có thể giữ vững thị phần xuất khẩu, Chính phủ cần đẩy nhanh triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện môi trường. Trên thực tế, Chính phủ đã dành nhiều nguồn tài chính hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh, sạch và bền vững nhưng hiện rất ít doanh nghiệp tiếp cận được bởi rào cản thủ tục hành chính. Ngoài ra, cần phải đẩy nhanh tiến độ việc thành lập những khu công nghiệp chuyên ngành, tạo cơ sở để ngành dệt may hoàn thiện chuỗi cung ứng nguyên liệu, sản xuất, góp phần tăng nội lực cạnh tranh trên thị trường.

Các cơ quan chức năng cũng cần thắt chặt kiểm soát hậu đầu tư, tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp nước ngoài chỉ đầu tư trá hình hoặc đầu tư khâu gắn mác, đóng hộp để tranh thủ tận dụng lợi thế nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam và hưởng những ưu đãi về thuế suất. Nếu không kiểm soát tốt vấn đề này, có nguy cơ các thị trường nhập khẩu dệt may hàng hóa từ Việt Nam sẽ đánh thuế cao hàng hóa xuất từ Việt Nam, gây thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất dệt may trong nước.

Tác giả bài viết: Báo Sài Gòn Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TÀI TRỢ KIM CƯƠNG
LIÊN KẾT WEBSITE
Tài trợ chính
Gửi câu hỏi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây