Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp 2017 vẫn diễn ra sôi nổi chiều nay (17/5). Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề doanh nhân nêu: Tình trạng cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu ở một số nơi; chính sách “mờ mờ, ảo ảo”, bào mòn sức khoẻ doanh nghiệp…
Thứ Tư, 17/05/2017 – 09:43
Quy định “mờ ảo”, bào mòn sức khoẻ doanh nghiệp
Dân trí Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp 2017 vẫn diễn ra sôi nổi chiều nay (17/5). Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề doanh nhân nêu: Tình trạng cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu ở một số nơi; chính sách “mờ mờ, ảo ảo”, bào mòn sức khoẻ doanh nghiệp…
>> Thủ tướng: Giải quyết triệt để tình trạng thanh, kiểm tra chồng chéo doanh nghiệp
>> Doanh nghiệp làm được 100 đồng, phải chi mất 10 đồng “lo lót”
>> Bức xúc vì phí BOT, bị thanh kiểm tra “hành”… doanh nghiệp “kêu” lên Thủ tướng
Doanh nghiệp nói gì trong Hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp của Thủ tướng?
Sau phần phát biểu của các doanh nghiệp, phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh một năm qua, đại diện các bộ ngành đã có phản hồi trực tiếp tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng nay trong các thực hiện chính sách, tạo điều kiện cho DN phát triển. Chi phí kinh doanh tại Việt Nam cao nhất khu vực: Vì sao nên nỗi.
Cụ thể, tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian vừa qua, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 35, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan và thuế, từ đó góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng DN.
Liên quan đến những phản ánh của Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Nguyễn Văn Thân về gánh nặng thuế phí đối với DN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, chi phí thuế của doanh nghiệp Việt Nam ở mức cao nhất khu vực là đúng, nhưng chủ yếu do phần nghĩa vụ này tính cả thuế và phần đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Theo khẳng định của lãnh đạo ngành tài chính, so với các nước cùng khu vực, chi phí thuế của Việt Nam thậm chí còn thấp hơn, tuy nhiên, do tỷ lệ đóng bảo hiểm cao nên tính chung, chi phí kinh doanh của DN bị đội lên (ở đây đề cập đến chi phí chính thức). Bộ trưởng Bộ Tài chính đồng thời cũng khẳng định, sẽ tiếp tục xây dựng phương án để cắt giảm chi phí, hỗ trợ DN tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn…
Liên quan đến danh sách 62 dự án bất động sản mới được Bộ Tài chính đề xuất thanh, kiểm tra đang gây chú ý của dư luận thời gian gần đây, ông Dũng cho biết, điều này xuất phát từ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng liên quan đến việc rà soát hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Kiến nghị của Bộ Tài chính gửi lên Thủ tướng gồm 2 nội dung chính là đề nghị Thanh tra Chính phủ trong kế hoạch thanh tra năm 2017 sẽ kiểm tra các dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định về chuyển đổi mục đích và tạm thời đình chỉ thi công đối với một số dự án chưa có thủ tục và có dấu hiệu sai phạm.
Trong phát biểu của mình, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố đã thực hiện hàng loạt giải pháp đồng hành cùng DN.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung:”Hà Nội cam kết sẽ quyết tâm đổi mới sâu sắc để hỗ trợ DN phát triển”
“Hà Nội cam kết sẽ quyết tâm đổi mới sâu sắc để hỗ trợ DN phát triển với một loạt giải pháp: Tích cực đối thoại, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp; xây dựng nền hành chính hiện đại; xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tiếp cận các nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, công nghệ mới; xây dựng các công trình phúc lợi trong các khu công nghiệp; đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng các chuỗi liên kết giá trị…:, ông nói.
Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: Cố gắng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế
Trước phần phát biểu của ông Chung Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sẽ cố gắng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Không trực tiếp quản lý về kinh tế và không liên quan đến kinh tế, nhưng đại diện Viện KSND tối cao cũng đưa ra đánh giá: Thời gian qua, tuy nhận thức quyết tâm chính trị của Chính phủ là rất lớn nhưng bên dưới thì chưa đồng, công tác thực thi đều còn chậm.
Do đó, ngành kiểm sát đề nghị Thủ tướng, Chính phủ nên chọn một số quy định vô lý, một số trường hợp điểm hình để xử lý, nhằm tạo tính răn đe, những thủ tục hành chính không cần thiết thì phải loại bỏ. Qua các vụ án kinh tế, lãnh đạo ngành kiểm sát khẳng định sẽ rất quan tâm để “bịt” những sơ hở về pháp luật để ngăn chặn tình trạng thu lợi bất chính trong thương trường. Quyết liệt với những đối tượng gian dối để đảm bảo quyền lợi của những doanh nghiệp và người dân họt động chân chính, tuân thủ pháp luật. Đồng thời giam kết, sẽ cố gắng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; sẽ rà soát lại quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi của DN; hứa sẽ đồng hành với Chính phủ trong việc đồng hành với DN.
Bí thư Hải Phòng Lê Văn Thành: ‘Tôi chưa nhận được đề nghị nào từ anh Đệ’
Đáng chú ý, về những phản ánh của ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hoá – Nguyễn Hữu Đệ, Bí thư Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết: “Tôi chưa hề nhận được phản ánh bằng điện thoại hay nhắn tin trao đổi từ anh Đệ”.
Vấn đề kêu gọi đầu tư vào bến xe Thượng Lý nhưng hiệu quả kinh doanh sau đó rất thấp, ban lãnh đạo Hải Phòng đã từng họp bàn rất nhiều lần để tìm hướng giải quyết, ông Thành cho hay, đây là vấn đề về tự do kinh doanh, tuân thủ nguyên tắc thị trường. Hải Phòng không thể ép buộc các chủ xe phải chuyển về kinh doanh tại bến xe này.
Ông Thành nói: “Vụ việc này về bản chất là câu chuyện kinh doanh thông thường, chúng ta không thể can thiệp một cách thô bạo vào tự do kinh doanh của các doanh nghiệp được. Bản thân bến xe cũng phải thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp vận chuyển chứ không chỉ đổ cho thành phố”.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm: Loại bỏ tình trạng tội phạm núp bóng DN
Về phía ngành công an, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đã kiến nghị sửa đổi hàng loạt những quy định pháp luật (trong đó có quy định thẩm định về phòng cháy chữa cháy) để rút ngắn thời gian, chi phí cho DN. Hàng năm, bộ cũng cung cấp hàng trăm, hàng nghìn thông tin cho DN về các đối tác nước ngoài để phòng ngừa bị lừa đảo.
Bộ trưởng Tô lâm: “Ngành công an xử lý người tội phạm, kinh doanh trái phép nhưng phải bảo vệ người làm ăn chân chính”
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, một nhiệm vụ quan trọng của ngành công an đó là triệt phá các băng ổ nhóm tội phạm trong bối cảnh nhiều băng nhóm nguy hiểm đang “núp bóng” công ty hoạt động công khai, từ đó tạo trường kinh doanh ổn định của các DN. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2017, đã triệt phá 690 băng ổ nhóm, góp phần ngăn chặn sự thâm nhập của các băng nhóm tội phạm hình sự vào lĩnh vực kinh tế.
Ngoài ra, về việc đấu tranh với các loại tội phạm công nghệ cao ngày càng phức tạp nhằm hoạt động trốn thuế, đa cấp lừa đảo, Bộ Công An đã vào cuộc để ngăn chặn, loại bỏ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tô Lâm, vẫn còn tình trạng nhiều DN lợi dụng sơ hở của các chính sách thông thoáng mà Nhà nước đưa ra nhằm hỗ trợ DN để trục lợi. Tình trạng DN tung tin vu cáo, sử dụng lưu manh, côn đồ chèn ép các DN khác cũng đang làm cho môi trường kinh doanh bị méo mó; gây phức tạp về an ninh, trật tự.
Chính quyền động viên doanh nghiệp đầu tư rồi “bẻ kèo”, “kiến tạo” chỗ nào?
Tham gia nêu ý kiến, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân tỉnh Thanh Hóa, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho hay, với những kết quả đạt được của Nghị quyết 35 trong 1 năm qua, cộng đồng DN rất cảm động. Tuy nhiên, theo ông Đệ, muốn Nghị quyết 35 đạt hiệu quả cao thì cần phải tăng cường hiệu quả công tác cán bộ, quản lý, giám sát công chức, viên chức.
“Có thể nói theo nhận xét của các doanh nhân thì tới 50% cán bộ, công chức đi chơi quá nhiều, ít để ý đến công việc. Chúng tôi đề nghị cần phải làm thế nào để tránh được việc mua quan bán chức”, ông Đệ thẳng thắn.
Trên góc độ của doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực y tế, ông Nguyễn Văn Đệ nhìn nhận, không nên xây dựng bệnh viên tư trong khuôn viên bệnh viện công. Vì đây là hậu quả trong tương lai về vấn đề tham nhũng. Nếu mỗi tỉnh có một bệnh viện tư trong viện công sẽ bóp chết hàng chục các bệnh viện tư khác. Do đó, ông Đệ đề nghị cần phải sửa đổi quy định pháp luật về vấn đề này để khuyến khích bệnh viện tư nhân phát triển.
Ông Đệ cũng đưa ra nhận xét, trong lúc Nhà nước đang khó khăn thì có những lĩnh vực mà DN tư nhân muốn làm thì nên để cho tư nhân làm. Chứ “cứ lấy tiền Nhà nước ra làm thì thất thoát càng cao, lợi ích nhóm càng lớn”, ông Đệ quả quyết. Vị này dẫn chứng, có nhiều bệnh viện, tư nhân muốn làm những các tỉnh không cho làm. Chính phủ cần theo dõi sát sao vấn đề này, trong bối cảnh, tình trạng này đang “rộ như hoa nở” tại nhiều địa phương.
Theo ông Đệ, bệnh viện công hay bệnh viên tư cũng cần bình đẳng trước pháp luật. Ngay cả như việc khám bệnh cho người nghèo, theo phản ánh của ông Đệ, hiện vẫn còn quy định yêu cầu chỉ cho phép bệnh viện công thực hiện. Trong khi bệnh viện công đang quá tải thì lại có Chỉ thị cho bệnh viện công mới làm được vì coi đó là nhiệm vụ chính trị. “Nhiệm vụ chính trị chẳng lẽ chúng tôi không làm được, chúng tôi hoàn toàn làm được”, ông Đệ tỏ ra bức xúc.
Trong khi một số nhiệm vụ khó khăn khác thì lại đẩy cho tư nhân, còn thuận lợi thì khu vực công nhận lấy. Thậm chí, khi đề cập đến vấn đề tiêu cực của các cơ quan Nhà nước, ông Đệ còn thẳng thắn dẫn chứng trường hợp, tại Hải Phòng có chuyện, chính quyền động viên một DN bỏ 50 tỷ đồng dầu tư vào bến xe, sau khi đầu tư xong thì “bẻ kèo”.
Bản thân ông Đệ đã phản ánh với Chủ tịch, Bí thư TP Hải Phòng, song không có hồi âm. Ông Đệ đặt câu hỏi: Nếu như vậy thì “kiến tạo, phục vụ ở chỗ nào”? Sau phần phát biểu của ông Đệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, đây là những ý kiến rất thẳng thắn, đi vào những vấn đề bức xúc. Phó Thủ tướng khẳng định, vấn đề cán bộ đang được Chính phủ lưu ý và các phản ánh mà DN nêu sẽ được chính quyền các cấp tiếp thu, xem xét và chấn chỉnh.
Đại diện HSBC: Nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn mở rộng kinh doanh ở VN
Ông Phạm Hồng Hải – Tổng Giám đốc HSBC nói: Chúc mừng Chính phủ có một năm điều hành thành công trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn. Theo ông Hải, Việt Nam đang có điểm sáng với lợi thế về nhân lực cạnh tranh, điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn kì vọng và mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
“Việt Nam là thị trường trẻ tăng trưởng mạnh và chúng ta vẫn được biết tới là trung tâm sản xuất với những dự án lên đến tỷ USD. Cộng với cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ kiến tạo, liêm khiết… đã tạo nên sức hút của Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài”, ông Hải nói.
Kiến nghị với Thủ tướng, ông Hải cho rằng, để tận dụng lợi thế làn sóng FDI, Việt Nam phải quan tâm môi trường, liên kết doanh nghiệp Việt Nam và khối FDI. Đặc biệt, ông Hải cho rằng, Việt Nam không thể phát triển bền vững với nhân công giá rẻ, do đó, cần đầu tư công nghệ để cạnh tranh bền vững.
Bên cạnh đó, về năng suất lao động, hiện vẫn tương đối thấp nên cần đẩy mạnh cải cách giáo dục, phải sử dụng nguồn lực khác nhau, phổ biến giáo dục, khuyến khích sự phản biện, sáng tạo trong giáo dục. Hiện TPP chưa biết tương lai thế nào nhưng vẫn khuyến nghị Chính phủ thực hiện những cam kết TPP để tăng năng lực cạnh tranh.
“Hiện nay, một bộ phận doanh nghiệp vẫn hụt hơi, đòi hỏi phải làm sao để tăng cạnh tranh. Một đất nước phát triển bền vững chỉ khi doanh nghiệp nội phát triển bền vững. Bản thân Chính phủ cải cách thì doanh nghiệp cũng phải cải cách để nâng cao kĩ năng quản trị, khả năng tiếp cận nguồn vốn…”, ông nhấn mạnh.
Ông cũng bình luận thêm rằng: “Việt Nam đang ở lợi thế lợi dựa vào nhân công giá rẻ cộng với làn sóng FDI cũng như nhưng nỗ lực để cải cách đất nước, kỳ vọng Việt Nam sớm thành con hổ của châu Á”, ông nói thêm.
Quy định mờ mờ, ảo ảo, sức khỏe doanh nghiệp bị “bào mòn”
ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch DN nhỏ và vừa (DNNVV) đề cập đến vấn đề “nóng” là các chi phí của DN.
Ghi nhận những thay đổi lớn sau khi Nghị quyết 35 được ban hành và thực hiện trong 1 năm qua, song ông Thân cho biết, các DN vẫn còn phải gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ trên bước đường làm ăn chân chính của mình, trong đó có chi phí (bao gồm cả chi phí chính thức và không chính thức) thực sự là một gánh nặng.
Về chi phí chính thức thì những các khoản chi phí về thuế, về phí, lệ phí… vẫn còn cao, một số thủ tục hành chính vẫn còn chồng chéo, phức tạp, thậm chí không cần thiết, làm gia tăng thời gian và chi phí cho DN.
Trong khi đó, những chi phí không chính thức tuy đã giảm nhưng vẫn còn nhiều nơi như chi phí tiếp cận vốn, chi phí xin giấy phép chứng chỉ hành nghề, giấy phép đất đai… chưa thấy có sự cải thiện. DN vẫn còn bị thanh, kiểm tra thường xuyên, nhiều lần trong 1 năm trong các nội dung về phòng cháy chữa cháy, thanh kiểm tra về môi trường…
Đại diện các DNNVV cho biết, chi phí cao dẫn đến giá thành cao, giảm cạnh tranh và ảnh hưởng quyền lợi của người tiêu dùng.
Nguyên nhân được ông Thân cho hay đến từ cả các cơ quan Nhà nước và DN. Cụ thể, tuy chính sách đã có những thay đổi tích cực song khâu thực thi lại là khâu yếu nhất, thể hiện một thái độ còn thờ ơ vô cảm với DN ở một bộ phận cán bộ, công chức Nhà nước. Thay vì hướng dẫn, hỗ trợ DN thì lại cố tình bắt lỗi DN, yêu cầu chi phí lót tay, chi phí đi đêm theo lối “của công chia ba, của nhà chia đôi”. Tình trạng này được cho là khá phổ biến, mà một phần nguyên nhân là do chế độ tiền lương của công chức thấp cộng với đạo đức công vụ thấp nên tìm cách thu nhập thêm.
Đại diện Eurocham phát biểu tại hội nghị
Bên cạnh đó, cũng không phủ nhận một số DN còn chưa có cái nhìn đúng đắn về kinh tế thị trường, thiếu đạo đức kinh doanh, quản trị yếu, không có khả năng cạnh tranh… nên đã chủ động “đi đêm chi ngầm”, đi lên bằng quan hệ để có lợi thế trong kinh doanh.
Một bộ phận DN khác thì bị áp lực từ phía công chức thực thi của Nhà nước nên buộc phải chi “ngoài luồng” dù biết là vi phạm pháp luật, song đã bất chấp để tồn tại.
“Nếu các quy định cứ không rõ ràng, mờ mờ ảo ảo thì DN sẽ không thể thoát ra được những khó khăn hiện tại, khiến DN bị mệt mỏi, môi trường kinh doanh bị bào mòn, bóp méo, sức cạnh tranh nền kinh tế quốc gia giảm, niềm tin đầu tư, kinh doanh suy giảm”, ông Thân bày tỏ lo ngại.
Do đó, để thay đổi, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng cần phải có sự thay đổi cả từ về hai phía. Trước hết, về phía DN, cần phải xây dựng tập quán, tạo thói quen tuân thủ pháp luật, văn hóa kinh doanh làm giàu chân chính, chủ động nói không với tiêu cực, đẩy lùi tiêu cực trong kinh doanh.
Trong khi đó, về phía các cơ quan Nhà nước, ông Thân cũng bày tỏ mong mỏi, Chính phủ và các bộ ngành có giải pháp tăng cường khen thưởng và kỷ luật với cán bộ công chức, viên chức để hạn chế, tiến tới loại bỏ tiêu cực.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, những vấn đề mà ông Thân nêu là đang gây “bức xúc” trong dư luận. Trong đó, chi phí chính thức tăng là do doanh nghiệp, nhưng chi phí phi chính thức tăng là do quản lý Nhà nước không chặt chẽ. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp cần lưu ý để loại bỏ chi phí không chính thức, hỗ trợ DN.
Kiến nghị ưu đãi thời gian thu phí cho dự án BOT
Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty Golf Long Thành kiến nghị ưu đãi thời gian thu phí cho dự án BOT
Ông Kiểm cho biết, trong các doanh nghiệp hiện nay có những doanh nghiệp đã đầu tư công tác hạ tầng, xây dựng quản lý đường cao tốc đạt sản lượng và chỉ tiêu cao cũng như thu hút được sự tham gia của đối tác nước ngoài.
“Bản thân doanh nghiệp chúng tôi đã liên doanh với tập đoàn của Nhật rất lớn do nguồn vốn đầu tư cao tốc rất lớn mà ngân hàng trong nước chưa hoàn toàn đáp ứng được. Chúng tôi đã thống nhất, liên doanh ký và phía Nhật sẽ lo toàn bộ vốn lên tới hàng tỷ USD nhưng có khó khăn, dự án cao tốc thực hiện trong thời gian dài nhưng tỷ giá thay đổi. Do đó, mong Chính phủ bảo lãnh về tỷ giá để thực hiện dự án, thu hồi vốn và trả nước ngoài cũng như có lợi nhuận. Đồng thời tăng thời gian thu phí nếu biến động tỷ giá lớn”, ông Kiểm kiến nghị.
Để Việt Nam thành bếp ăn của thế giới, phải làm tử tế ngay trong nước
Chủ tịch Tập đoàn TH, bà Thái Hương nhấn mạnh tới chữ tín trong kinh doanh và chữ tín của doanh nhân.
“Chữ tín trong kinh doanh gồm chữ tín của doanh nghiệp, doanh nhân nhưng chữ tín này đang bị đánh đồng”, bà nói.
Tại hội nghị, bà Thái Hương đề xuất: Ban hành ngay quy chuẩn về an toàn thực phẩm đối với từng sản phẩm, đặc biệt là tiêu chuẩn sản phẩm sữa; giải pháp triển khai chương trình sữa học đường.
Theo bà Hương, dù có tiêu chuẩn sữa học đường nhưng hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể về dạng sữa lỏng. Bà Hương lo lắng khi hiện sữa học đường vẫn là sữa cân. Cho tới giờ không hiểu mắc ở đâu mà chúng ta vẫn chưa thể ban hành được tiêu chuẩn sản phẩm, nhất là về sữa.
Ở các nước tiên tiến chỉ sử dụng sữa bột, sữa tươi nhưng ở Việt Nam lạm dụng sữa tiệt trùng, sữa hoàn nguyên. Vẫn chưa ra được tiêu chuẩn dạng sữa lỏng, không hiểu mắc ở đâu
“Để biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới thì trước hết phải làm tử tế ngay trong nước, phải ban hành tiêu chuẩn sản phẩm để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh”, bà Hương nói.
Mong sớm có văn bản cụ thể hóa chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự
Chủ tịch Tập đoàn BRG, bà Nguyễn Thị Nga cho rằng, trong suốt 1 năm, Thủ tướng và Chính phủ có nhiều chủ trương và hành động quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các DN tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, chứng minh cho sự hình thành một Chính phủ tận tâm. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp vẫn cần Chính phủ hỗ trợ trong thời điểm hiện nay.
Theo đó, bà Nga kiến nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân phát triển; mong Chính phủ sớm có văn bản cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5, để doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh bình đẳng với với khu vực kinh tế khác.
“Riêng về chủ trương không hình sự hóa, chúng tôi kiến nghị cần có hành lang pháp lý, văn bản để doanh nghiệp được bảo vệ, không hình sự hóa và doanh nghiệp có cơ hội khắc phục nếu có sai sót để vững tin hơn. Thủ tướng đã đề cập đến như tinh thần lớn nhất của Chính phủ. Chúng tôi vui mừng vì chủ trương đúng đắn này vì theo đó, doanh nghiệp có thể sẵn sàng xả thân kinh doanh và cảm thấy được pháp luật bảo vệ hoạt động chính đáng của mình, góp phần khai thác hiệu quả những vân đề có tính rủi ro cao, phát triển kinh tế đất nước”, bà Nga nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM kiến nghị các giải pháp xử lý những rủi ro tiềm ẩn trong thị trường BĐS như: giải pháp hạch toán bù trừ trong kinh doanh BĐS ở những doanh nghiệp kinh doanh đa ngành; cho phép thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng nước ngoài; sửa đổi luật đầu tư kinh doanh; đề nghị UBND TPHCM có giải pháp khẩn cấp hạ nhiệt cơn sốt ảo giá đất nền vùng ven TPHCM; sửa luật kinh doanh BĐS tránh cò đất núp bóng doanh nghiệp kinh doanh, tình trạng quân xanh, quân đỏ trong đấu giá đất; sớm ban hành một số quyết định mới về xử lý vấn đề đất đai doanh nghiệp cổ phần hóa; bảo vệ quyền lợi của người mua nhà “ngay tình”…
Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty KOSY kiến nghị giải pháp giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng dự án theo cơ chế tự thỏa thuận; thời điểm xác định giá đất và quyền sử dụng đất; thu hồi các dự án chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, nên đánh thuế lũy tiến hoặc phạt tiền, tránh “thu hồi trắng” tài sản của nhà đầu tư.
Một số hộ tự tử vì lỗ vốn quá nhiều trong chăn nuôi
Theo ông Phạm Văn Sơn, Ủy viên Ban quản trị Tập đoàn BMJ, Chính phủ ra Nghị Quyết 35 đã tác động đến chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương, đã nỗ lực, cảm thông, hỗ trợ từ tư tưởng quản lý là chính sang tư tưởng phục vụ doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thế giới phức tạp, nền kinh tế toàn cầu chưa hồi phục, giá thực phẩm, giá gia cầm thấp kỷ lục trong thời gian qua…
Tại hội nghị lần này, đại diện doanh nghiệp nông nghiệp kiến nghị Chính phủ họp để tìm cách tháo gỡ cho các hộ chăn nuôi, các DN sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, các đại lý phân phối, hộ kinh doanh, nông dân bằng cách khoanh nợ, gia hạn nợ cho các hộ nông dân.
“Một số hộ đã tìm đến đường cùng bằng việc tự tử vì lỗ vốn quá nhiều trong chăn nuôi, không còn khả năng trả nợ. Hỗ trợ lãi suất cho DN, hộ kinh doanh, chủ trang trại theo các gói hàng trăm nghìn tỷ đồng để được vay vượt qua thời gian khó khăn này”, ông nói.
Ông Sơn cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, Bộ Công Thương, VCCI vào cuộc kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp tìm đầu ra cho các sản phẩm của hộ chăn nuôi tiến đến xuất khẩu thực phẩm. Đồng thời, huy động các DN lớn trong nước thu mua, chế biến các sản phẩm từ thịt, trứng để làm thực phẩm thức ăn nhanh giống như KFC, dăm bông, ruốc, xúc xích đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cùng xây dựng thương hiệu quốc gia về nông nghiệp.
“Việt Nam có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, có thể xây dựng thương hiệu quốc gia vì có gần 70% dân số làm nông nghiệp, xây dựng Việt Nam là điểm đến của khách du lịch quốc tế, làm bếp ăn của thế giới, là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư…”, ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng kiến nghị xây dựng quy hoạch các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương, sắn, dược liệu, nguyên liệu sản xuất thuốc tân dược, thú y…, giảm thiểu nhập khẩu. Đồng thời, có chính sách quy hoạch chăn nuôi cấp phép kiểm soát chất lượng đầu vào – đầu ra của người trồng lúa, ngô, đậu, sắn, rau củ quả… của Việt Nam tránh tình trạng nguyên liệu ngô có thuốc trừ cỏ, sắn bị mốc, lúa nhiễm kim loại nặng, tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Kiểm soát và xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia hướng đến thực phẩm siêu sạch, bảo vệ sức khỏe con người Việt Nam, hướng đến xuất khẩu ra thế giới.
Hỗ trợ vay vốn và giao đất thời gian dài cho những người làm trang trại vì hiện nay những người làm trang trại được vay vốn rất ít và chỉ được giao trong thời gian ngắn nên dù nhiều DN lớn muốn đầu tư vào ngành chăn nuôi nhưng sợ rủi ro nên họ không đầu tư.
Nguồn tin: Dân trí