Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản đang ở Việt Namcó kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại đây. Điều này cho thấy Việt Nam là thị trường hấp dẫn cũng như không thể thiếu của những ông chủ người Nhật.
Ngày 14/2, JETRO đã công bố kết quả khảo sát về thực trạng các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản châu Á – Thái Bình Dương 2016. Cuộc khảo sát thực hiện ở 15 nước.
“Tình hình hoạt động, dự định tương lai của doanh nghiệp Nhật đang hoạt động ở Việt Nam khá khả quan”, báo cáo cho hay.
Cụ thể, ước tính về lợi nhuận kinh doanh, 62,8% doanh nghiệp cho biét họ đang có lãi (tăng 4% điểm so với năm trước). Trong khi đó, chỉ có 25,1% doanh nghiệp trả lời là “lỗ” (tăng 1% điểm so với năm trước). Nếu tính theo loại hình doanh nghiệp thì trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tỷ lệ các doanh nghiệp gia công xuất khẩu và doanh nghiệp không gia công xuất khẩu trả lời tương ứng là 59% và 62%, nắm dưới mức trung bình tổng thế.
Về triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh trong tương lai, hơn 60% doanh nghiệp cho biết có kế hoạch mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng. Khoảng 88% cho biết lý do chính mở rộng kinh doanh là để tăng doanh thu, và 63% doanh nghiệp ngành công nghiệp phi chế tạo cho biết mở rộng kinh doanh là vì thấy khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao.
“Cứ 2 doanh nghiệp Nhật Bản thì có một, tương ứng 50%, muốn mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Trong khi đó chỉ có 40,1% doanh nghệp Nhật Bản muốn mở rộng sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc mà thôi”, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cho biết.
Trong các quốc gia mà JETRO tiến hành khảo sát, Việt Nam đứng thứ 4 (sau Australia, Singapore, New Zealand) trong số 15 quốc gia có tình hình chính trị xã hội ổn định với đánh giá của 63,4% doanh nghiệp.
Hơn 50% số doanh nghiệp đánh giá cao về quy mô thị trường và khả năng tăng trưởng và chi phí nhân công rẻ. Việt Nam đứng thứ 5/15 quốc gia về quy mô thị trường (sau Ấn Độ, Pakistan, Indonesia và Myanmar) và thứ 9 về chi phí nhân công giá rẻ sau (Bangladesh, Lào, Philippine và Campuchia),
Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng cho biết môi trường đầu tư tại Việt Nam đang được cải thiện. Nhưng vẫn có tới 58,5 % doanh nghiệp cho rằng chi phí nhân công đang tăng cao, trở thành một trong những rủi ro khi đầu tư tại Việt Nam.
“Cá nhân tôi đã trao đổi với doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở những địa phương gần Hà Nội, họ cho biết để tuyển đủ số nhân công là một vấn đề vì câu chuyện tiền lương tăng”, đại diện JETRO nói.
Nguồn tin: Theo Trí thức trẻ