Trong ngổn ngang hàng trăm vấn đề từ việc kiểm tra chuyên ngành rối rắm, cơ sở hạ tầng không đáp ứng đến sự bất tuân lệnh của các cơ quan thực thi… cần ưu tiên tạo thuận lợi cho doanh nghiệp từ đâu để có thể cạnh tranh cũng như tận dụng các cơ hội do Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mang lại?
Theo ông Nestor Schebey, chuyên gia tư vấn cao cấp của Liên minh Tạo thuận lợi thương mại (VTFA) TPHCM, một sản phẩm xuất khẩu có giá 10 đô la Mỹ sẽ chỉ giảm được 1,2 đô la Mỹ nhờ thuế nhưng nếu được tạo thuận lợi khi xuất nhập khẩu thì có thể giảm tới 4,38 đô la Mỹ các chi phí khác.
Formaldehyt và nỗi ám ảnh kiểm tra chuyên ngành
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), khi được mời trao đổi tại hội nghị bàn tròn có chủ đề “Phương pháp tiếp cận toàn diện đối với hoạt động tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực”, đã nói về nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp dệt may với việc kiểm tra chuyên ngành để thông quan hàng hóa. Trong đó, đau khổ nhất là chuyện kiểm tra hàm lượng formaldehyt với vải nhập khẩu.
Bà nói các doanh nghiệp trong Vitas đã kêu gào bao nhiêu năm nay, Bộ Công Thương đã sửa Thông tư 32 thành Thông tư 37 nhưng giờ lại còn khó khăn hơn…
Mới đây, dưới áp lực từ nhiều phía, trong đó có yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chịu tổ chức hội thảo đánh giá về Thông tư 37. Tại đây, các doanh nghiệp đã chỉ ra rất rõ những bất hợp lý từ quy định cho đến thực thi. Theo đó, thời gian kiểm tra chỉ là một ngày nhưng trong thực tế, doanh nghiệp lại phải chờ nhiều ngày nên phải lưu kho, lưu bãi, chi phí đội lên. Chưa kể, có doanh nghiệp đem áo mẫu đi kiểm nghiệm còn bị cơ quan chức năng giữ luôn mẫu.
Trước đó, Cục Hải quan TPHCM đã báo cáo lên Tổng cục Hải quan và cơ quan này đã có công văn trao đổi với Bộ Công Thương về vướng mắc của Thông tư 37 (ở điểm c, điều 11 về việc phần vải nguyên liệu chuyển sang tiêu thụ nội địa đều phải kiểm tra nhà nước, không phân biệt số lượng). Bởi lẽ, Thông tư 38 của Bộ Tài chính về hoạt động hải quan (điểm 5, điều 64) lại quy định nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công nếu dư thừa không quá 3% thì khi tiêu thụ nội địa không phải làm thủ tục hải quan chuyển đổi mục đích sử dụng. Câu hỏi đặt ra là trong trường hợp này, doanh nghiệp có phải thực hiện việc kiểm tra chất lượng nhà nước hay không và nếu có thì cơ quan nào thực hiện?
Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, chia sẻ tương tự như chuyện kiểm tra hàm lượng formaldehyt là chuyện với giấy kiểm tra vệ sinh của quà tặng trị giá dưới hai triệu đồng trong chuyển phát nhanh. Cơ quan hải quan kiến nghị bỏ vì không tin một hộp bánh nhỏ làm quà tặng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như lo ngại của cơ quan quản lý. Bản thân người nhận hàng thậm chí nói rằng sẽ cho luôn vì thủ tục quá nhiêu khê.
Đây chỉ là một số trong rất nhiều câu chuyện bất cập đã và đang diễn ra ở khâu kiểm tra chuyên ngành khiến các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu bức xúc. Khâu này đang chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số công việc liên quan đến xuất nhập khẩu (ngành hải quan chiếm 28% còn lại), bên cạnh khâu vận chuyển hàng hóa, dịch vụ kho bãi, cảng.
Theo ông Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3), các nước cũng thực hiện kiểm tra chuyên ngành nhưng khác biệt là ở nước phát triển, doanh nghiệp nào vi phạm thì ngay lập tức bỏ luôn lô hàng, không xin xỏ. Còn ở ta, quy định thì có cả nhưng thực hiện không nghiêm túc. Và vì một vài doanh nghiệp không tốt, xảy ra rủi ro nên quản lý lại càng chặt, càng khó khăn. Tất nhiên, theo ông Lâm, cũng còn có lý do là xử lý tình huống ở ta chưa bài bản và chưa theo thông lệ của các nước phát triển.
Người kéo, người đẩy
Tại sao lại có chuyện Thông tư 37 sau khi sửa đổi còn khó khăn hơn Thông tư 32? Theo bà Mai, dù Chính phủ đã có Nghị quyết 35 và quyết tâm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại nhưng trong kiểm tra chuyên ngành, các bộ, ngành vẫn sử dụng cơ chế xin – cho, thay vì chọn – bỏ. Các bộ cam kết nhưng rồi tìm cách luồn lách.
Ông Thắng chia sẻ, hồi tháng 11-2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2026 thực hiện đề án “Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu”. Mục tiêu lớn là thay đổi tư duy về kiểm tra chuyên ngành. Đó là kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm (hàng hóa gây nguy hại đến sức khỏe, môi trường, kinh tế, an ninh quốc gia) và phải phù hợp với thông lệ quốc tế, các hiệp định đã ký kết; áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, thừa nhận kết quả của nước xuất khẩu, nhập khẩu, ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi dữ liệu…
Vậy nhưng, các cơ quan cấp phép về kiểm tra chuyên ngành vẫn chưa thay đổi tư duy, vẫn áp dụng kiểu xin – cho; chọn – cho thay vì chọn – bỏ nên thủ tục chồng chéo. Ngay như việc 13 bộ phải sửa đổi, bãi bỏ 87 văn bản quy phạm pháp luật trong quí 4-2015 (một vài trường hợp cho dời đến quí 1 và quí 2-2016), bị chỉ tên hẳn hòi như vậy nhưng cho đến nay thì vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu.
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) chi nhánh TPHCM nhìn nhận, dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhưng cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn bảo lưu “với cớ là bảo vệ người dân, môi trường”. Những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2015, đến nay đã đi hết nửa năm 2016 mà nhiều nội dung chưa được sửa.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ nhận thức chưa đồng bộ. Có người mở ra nhưng có người lại thắt vào, có người đẩy nhanh, có người lại cố tình kéo lại nên mọi thứ cứ nhùng nhằng. Đó là chưa nói đến những động cơ đằng sau đó.
Giải quyết từng việc nhưng tất cả cùng làm
Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại TPHCM, cho rằng, trong rất nhiều vấn đề ngổn ngang của hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam hiện nay thì không thể giải quyết cùng lúc mà phải chọn cái gì quan trọng nhất để ưu tiên làm trước. Một trong những ưu tiên đó, theo ông, là thành lập ủy ban quốc gia về tạo thuận lợi thương mại, bởi lẽ không có cơ chế, không thể triển khai quyết định, ý tưởng nào thành hiện thực. Ủy ban này sẽ tạo được điểm liên lạc cho các bên thực hiện, để những người cung ứng dịch vụ công (là Nhà nước) và người sử dụng (doanh nghiệp) có thể hợp tác chặt chẽ, đạt được mục tiêu. Theo ông Herb Cochran, theo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì thời gian thông quan chỉ còn là hai ngày chứ không phải 15-16 ngày như hiện nay.
Ông Nestor Schebey, người đã tính toán ra con số 4,38 đô la Mỹ nói ở trên, chia sẻ rằng nếu có ủy ban quốc gia về tạo thuận lợi thương mại thì sẽ tiếp cận một cách tổng thể các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu, từ đó có phương án giải quyết toàn diện. Ngành hải quan muốn áp dụng quản lý rủi ro, tức không phải kiểm tra tất cả thì doanh nghiệp phải tuân thủ, thực hiện các quy trình. Muốn được như vậy thì hiệp hội ngành nghề phải đóng vai trò theo dõi, giám sát và phát hiện những doanh nghiệp vi phạm. Bên cạnh đó, năng lực của cán bộ nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp cũng phải nâng lên để hiểu và thực hiện đúng.
Ông Thắng cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu như một chiếc kiềng bốn chân gồm doanh nghiệp, hải quan, các cơ quan kiểm tra chuyên ngành và đơn vị cung cấp dịch vụ cảng. Nếu không đồng thuận thay đổi khi áp lực đã ngay sau lưng – các hiệp định thương mại tự do đang và sắp có hiệu lực – thì sẽ như vào đường cao tốc nhưng chỉ đi được vận tốc 50 ki lô mét/giờ. Muốn thay đổi thì cần phải có cơ chế giám sát việc thực hiện của các đơn vị. Mỗi bên phải có sự trung thực và sòng phẳng với nhau về quyền và trách nhiệm. Cơ quan cao nhất phải làm nhiệm vụ trọng tài để phân xử, đảm bảo công bằng, công khai cho các bên. Thêm vào đó, một khi đã quyết định quản lý theo phương pháp rủi ro thì cũng phải chấp nhận… rủi ro, tránh trường hợp khi xảy ra sự cố vì rủi ro trong quản lý thì bắt giải trình mệt mỏi.
Ông Hoàng Lâm thì nhấn mạnh, đã tham gia cuộc chơi thì phải chấp nhận luật chơi. Do vậy, tất cả các bên liên quan phải cùng thay đổi, cùng nhau làm.
Nguồn tin: Thời báo Kinh tế Sài Gòn online