Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với đa phần thành viên là các nước phát triển, thực sự là thách thức không nhỏ đối với ngành cơ khí Việt Nam trong cuộc cạnh tranh với các DN lớn. Tuy nhiên, thách thức sẽ biến thành cơ hội nếu DN Việt Nam chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và quản trị DN tốt.
Thiếu tính chuyên nghiệp
Theo ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), một trong những hạn chế lớn nhất của DN cơ khí Việt Nam khi gia nhập TPP chính là sự thiếu chuyên nghiệp. Chẳng hạn, một DN của Việt Nam đã từng được Tập đoàn General Electric của Hoa Kỳ (GE) đến kiểm tra, khảo sát rất nhiều lần. Khi 2 bên chuẩn bị ký kết văn bản hợp tác, đúng lúc ấy công nhân khoan cắt gây nên tiếng ồn, ông chủ DN đi ra mắng anh công nhân. Kết quả đối tác bỏ về, không ký kết nữa. Lý do thật đơn giản: Nếu hệ thống quản trị của DN tốt, người đứng đầu DN không phải đứng ra để mắng công nhân như vậy. Một DN tốt phải có một hệ thống tốt, chứ không chỉ dừng lại tốt ở khâu nào.
Ngay với LILAMA, gần 2 năm nay đang làm việc cùng GE với mong muốn trở thành đối tác lâu dài. Đây cũng là quãng thời gian để LILAMA đánh giá, khảo sát và chứng minh năng lực của mình. Nói như vậy để thấy, không thể ngày một ngày hai mà trở thành bạn hàng được. Kinh nghiệm của một số DN đang là bạn hàng của DN nước ngoài, cho biết yếu tố quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm phải ổn định, lô hàng thứ “n” vẫn phải như lô hàng thứ nhất. Tuy nhiên, điều đáng buồn lại nằm ở chỗ, lãnh đạo nhiều DN và người lao động không nhận thức được điều này. Từ đó, không xây dựng được hệ thống quản trị DN ổn định, dẫn đến chất lượng sản phẩm không ổn định theo kiểu lô hàng thứ nhất chất lượng tốt, lô thứ hai chất lượng bình thường và đến lô thứ 3 không dùng được. Do đó, DN muốn tham gia chuỗi liên kết toàn cầu, hệ thống quản lý chất lượng phải luôn luôn ổn định, ngay cả khi DN thay lãnh đạo. Thực tế này cho thấy tham gia TPP có lợi về mặt thuế xuất để có điều kiện hạ giá thành, nhưng để đối tác nước ngoài đặt hàng đòi hỏi hệ thống quản trị chất lượng phải đảm bảo.
Ông Nguyễn Khắc Thành, Phó Tổng giám đốc LILAMA 18, Giám đốc Nhà máy Cơ khí, chia sẻ: “Ban đầu, khi đối tác đặt hàng chế tạo 2 dầm chính dài 40m với độ võng 6mm, chúng tôi nghĩ không làm được. Nhưng khi bắt tay vào làm đúng theo thiết kế, tiêu chuẩn của họ lại thấy hoàn toàn có thể làm được. Chúng tôi cũng phải trải qua rất nhiều thử thách. Nay LILAMA 18 đã trở thành đối tác tin cậy của một số tập đoàn nước ngoài với giá trị xuất khẩu khoảng 400 tỷ đồng/năm. Năm 2015, công ty đã ký hợp đồng chế tạo 9 cẩu và đang tiếp tục xem xét ký thêm nhiều hợp đồng trong thời gian tới.
Công thức: Trung Quốc +1= Cơ hội
Lâu nay Trung Quốc được biết đến như là một “công xưởng của thế giới”. Nếu năm 1990, tổng sản lượng hàng hóa sản xuất tại châu Á chiếm 26,5% sản lượng thế giới, năm 2013, con số này đã tăng lên 46,5%, trong đó một nửa là hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, do chi phí lao động thấp, nguồn nguyên vật liệu sẵn có, cơ sở hạ tầng tốt… Tuy nhiên, những năm gần đây, khi kinh tế thế giới suy thoái, cộng với việc nước này không còn là thị trường lao động hấp dẫn với các chi phí giá rẻ nữa, các tập đoàn lớn nước ngoài bắt đầu nghĩ đến việc dịch chuyển nhà máy, công xưởng của họ ra khỏi Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro theo công thức TQ+1. Và nơi họ nhắm đến là Indonesia, Thái Lan hoặc Việt Nam.
Điều đáng tiếc, các DN trong nước không nhận ra điều này. “10 năm trước đã có công thức TQ+1 nhưng chúng ta đã bỏ lỡ. Khi các tập đoàn lớn nước ngoài thực hiện phép thử bằng những đơn hàng rất nhỏ, không giới thiệu màu mè, hoa mỹ, DN Việt Nam thường bỏ qua. Để bây giờ, họ +1 nhưng không cộng Việt Nam mà là Indonesia, Thái Lan, đặc biệt là Ấn Độ với các chi phí nhân công rất rẻ và nguồn nguyên liệu dồi dào. Để vào được chuỗi sản xuất của họ phải mất ít nhất 3 năm. Ban đầu họ thường đặt hàng những lô rất nhỏ, sau đó tăng dần lên. Đến năm thứ 3, 4 trở đi mới bắt đầu đặt đơn hàng chính thức. Cũng có thể 3 năm không đặt vì mình không đủ tiêu chuẩn. Nhưng khi mình đáp ứng được yêu cầu của họ, được tham gia chuỗi liên kết toàn cầu không còn lo thiếu việc làm nữa” – ông Tuấn phân tích.
Một bất lợi lớn của ngành cơ khí là nguồn nguyên liệu không có sẵn. |
Ước tính, tổng chi tiêu của 12 nước thành viên TPP chiếm khoảng 40% chi tiêu toàn cầu. Điều đó có nghĩa, chỉ cần khai thác thị trường 12 nước này sẽ khai thác được gần một nửa thị trường thế giới.
Nguồn: Báo Sài Gòn đầu tư