Vi phạm bản quyền phần mềm là rào cản TPP

Sau 10 năm thực hiện Luật sở hữu trí tuệ từ 2006 đến hết năm 2015, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tiến hành thanh tra và xử phạt các doanh nghiệp tổng cộng hơn 8,6 tỉ đồng vì dùng phần mềm không có bản quyền. Tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm còn lớn, chiếm 81%, đang là một trong những rào cản, gây khó khăn và bất lợi cho doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.

Thông tin trên được ghi nhận tại tọa đàm “Doanh nghiệp Việt Nam và một số vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong TPP” diễn ra vào ngày 20-4 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên minh Phần mềm BSA tổ chức.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Văn Minh, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho biết từ năm 2006 đến 2015, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra đột xuất gần 550 doanh nghiệp trên cả nước và kiểm tra hơn 27.600 máy tính. Khi phát hiện hành vi sử dụng phần mềm không có bản quyền, thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã lập biên bản và ban hành gần 500 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền nộp vào ngân sách nhà nước hơn là 8,6 tỉ đồng, chuyển một hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Ông Minh cho biết, sau khi được kiểm tra, các công ty đã chấm dứt hành vi sử dụng phần mềm không có bản quyền, bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu phần mềm, mua bản quyền phần mềm máy tính hợp pháp phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Hiện giá trị mua bản quyền phần mềm máy tính của các doanh nghiệp Việt mỗi năm lên tới hàng chục triệu đô la Mỹ và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao,” ông Minh nói.

Theo đánh giá của Liên minh Phần mềm BSA, năm 2004 tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính tại Việt Nam là 92% thì đến năm 2014 đã giảm còn 81%.

Vi phạm bản quyền sẽ gây khó cho DN khi tham gia TPP

Vẫn theo ông Minh, ngày 4-2-2016, Việt Nam đã ký tham gia hiệp định TPP, theo đó, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực được đặc biệt quan tâm. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn các điều luật về sở hữu trí tuệ. Trong lĩnh vực phần mềm máy tính, những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng tình trạng xâm phạm bản quyền phần mềm vẫn còn tương đối phổ biến.

Ông Minh nói: “Doanh nghiệp cần quan tâm hơn tới vấn đề sở hữu trí tuệ, có những bước chuẩn bị về tài chính, về nhân lực và về kỹ thuật để khi hội nhập TPP, tránh được các rắc rối khiếu kiện có thể xảy ra.”

Phát biểu tại cuộc tọa đàm nêu trên, ông John Hill, Tham tán Kinh tế từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam sẽ có lợi lớn khi gia nhập TPP song cũng có những bất lợi. TPP đề ra những tiêu chuẩn rất cao về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Những tiêu chuẩn này còn chặt chẽ hơn cả quy định của WTO, mà nếu không tuân thủ thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Ông Hill cho rằng tỉ lệ cài đặt phần mềm không có bản quyền của Việt Nam hiện 81% là một trong những mức cao nhất trên thế giới, cao nhất trong 12 nước thành viên TPP. Đây là vấn đề khó khăn lớn đối với doanh nghiệp trong nước vì không những họ không tận dụng được lợi thế từ TPP mà còn vướng vào các vấn đề pháp lý.

Số vụ kiện vi phạm bản quyền có thể tăng cao khi TPP có hiệu lực. Trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam dường như còn chưa nhận thức được đầy đủ hoặc còn chưa quan tâm đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, ông nói. Ông John Hill cho biết ông đồng tình với cảnh báo của Bộ Khoa học-Công nghệ rằng doanh nghiệp Việt Nam có thể đi đến phá sản, giải thể nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng các quy định về quyền sở hữu trí tuệ của TPP.

Ông Hill cho rằng các nền kinh tế hiện đại được xây dựng trên nền tảng đổi mới, sáng tạo. Đổi mới, sáng tạo lại được xây dựng trên nền tảng quyền sở hữu trí tuệ. Theo thống kê trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới: Thụy Sỹ đứng thứ 3 về bảo hộ sở hữu trí tuệ – nước này xếp hạng 1 về Chỉ số Năng lực cạnh tranh Toàn cầu. Hai tỉ lệ tương tự này của Phần Lan là 1 và 8 còn Singapore là 4 và 2. Đây là những quốc gia không chỉ thu hút được đầu tư FDI nhờ có cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ mạnh mà còn vươn lên trở thành những trung tâm đổi mới, sáng tạo.

“Chúng tôi hiểu được những khó khăn phía trước, hoan nghênh Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu lớn cũng như cam kết vượt qua những khó khăn đó. Việt Nam cần biết rằng Hoa Kỳ cũng như cộng đồng quốc tế luôn mong muốn hợp tác và luôn sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ,” ông John Hill nói.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *