Thủ tướng Chính phủ sẽ thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định TPP vào Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, dự kiến diễn ra vào tháng Bảy tới.
Theo Nghị quyết, Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện Tờ trình phê chuẩn Hiệp định TPP.
Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục rà soát pháp luật bảo đảm thực thi Hiệp định TPP, đề xuất phương án điều chỉnh pháp luật cụ thể phù hợp với lộ trình và yêu cầu của Hiệp định TPP (trong đó tính đến việc đề xuất ban hành một văn bản để sửa đổi nhiều văn bản), báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 12 năm 2016.
Tăng cường kiểm tra, bảo vệ môi trường
Ngoài ra, nghị quyết cũng đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng khác. Cụ thể, theo Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo đẩy mạnh quan trắc môi trường biển thường xuyên ở các địa phương ven biển miền Trung xảy ra sự cố hải sản chết bất thường để giám sát, cảnh báo và có giải pháp ứng phó kịp thời; phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, nhất là tại các cụm công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất lớn.
Bộ này cần phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; và chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm phát ngôn, cung cấp thông tin chính thức kết quả kiểm tra, chủ trương, biện pháp xử lý.
Cuối cùng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp cùng các bộ, địa phương có liên quan thực hiện nghiêm Thông báo số 72/TB-VPCP ngày 02/5/2016 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường.
Loại bỏ giấy phép con không phù hợp
Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bức xúc; đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính; loại bỏ giấy phép con không phù hợp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Cam kết cụ thể về việc cắt giảm thủ tục hành chính và hoàn thiện bộ chỉ số để doanh nghiệp, người dân chấm điểm chính quyền. Xử lý nghiêm các cán bộ, công chức có hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Các bộ, ngành, địa phương giải quyết theo thẩm quyền các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1-6-2016. Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Chính phủ, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam, gửi xin ý kiến thành viên Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Ổn định mặt bằng lãi suất
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay. Quản lý, giám sát các ngân hàng thương mại yếu kém. Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khoa học công nghệ… gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.
Bên cạnh đó, đánh giá tình hình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011 – 2015; xây dựng Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh xử lý thực chất nợ xấu qua Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Rà soát, sửa đổi Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20-11-2014 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phù hợp với điều kiện thực tế.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên định thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2016, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô để có nền tảng tăng trưởng cao trong dài hạn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống, chất lượng sống cho người dân, quyết tâm phấn đấu đạt tăng trưởng GDP khoảng 6,7% và kiểm soát lạm phát dưới 5%.
Nguồn tin: thesaigontimes.vn