Nhiều kiến nghị tháo gỡ khó khăn cấp bách cho doanh nghiệp TPHCM

Ngày 10-6, UBND TPHCM tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp để nghe về các kiến nghị của doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và bàn giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. 

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM.
sg1
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong 5 tháng đầu năm, khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt, TPHCM ghi nhận được những tín hiệu khởi sắc về kinh tế.

Đơn cử, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 5 tháng ước đạt khoảng hơn 456.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 4,9%); thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,4%); dịch vụ lưu trú và ăn uống có dấu hiệu phục hồi, tăng 30,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 47,5%).

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 19,63 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,3%) và tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 174.000 tỷ đồng, đạt 47,85% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả tích cực trên, kinh tế TPHCM cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
sg2
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tham dự hội nghị. Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM
Theo số liệu theo dõi của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH), từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TPHCM có 1.365 doanh nghiệp (DN) báo cáo gặp khó khăn do dịch Covid-19, với hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc; 410 DN có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân. Có 2.274 DN hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 4,99% so với cùng kỳ); có 9.308 DN tạm ngưng hoạt động (tăng 22,99% so với cùng kỳ)…

Trước thực tế đó, về phía Hiệp hội DN TPHCM cũng đề nghị lãnh đạo TPHCM kiến nghị Chính phủ có cơ chế, kế hoạch và lộ trình thật cụ thể về Chương trình tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 cho công nhân, người lao động. Đồng thời tạo điều kiện và hướng dẫn các DN có điều kiện có thể chủ động sớm mua vaccine tiêm phòng cho công nhân của mình.

Triển khai nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ ban hành theo nghị định 52/2021/NĐ-CP; các gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ LĐTB-XH ban hành cần khắc phục các rào cản mà lần hỗ trợ thứ nhất các DN gặp phải.

TPHCM sớm ban hành gói hỗ trợ riêng của TP, quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm các yếu tố chi phí sản xuất cho DN (tiền điện, chi phí vận chuyển, phí giao thông, cảng biển), chăm lo công tác an sinh xã hội cho công nhân mất việc, phải ngừng nghỉ chờ việc theo cách của TPHCM.

Hỗ trợ các DN phải bố trí nhà ở, khu lưu trú tạm cho công nhân để duy trì sản xuất do chấp hành các quy định cách ly xã hội; Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động chuyển nghề do mất hay thay đổi việc làm, nâng cao tay nghề để có thể tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi sản xuất…

Mặt khác, TPHCM cần ban hành gói hỗ trợ riêng đặc thù cho các DN bị ảnh hưởng nặng nề, phải ngừng sản xuất kinh doanh như ngành du lịch, dịch vụ.

Về phía ngân hàng tiếp tục xem xét, nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi (thấp hơn) giúp cho DN sản xuất bớt khó khăn; Khuyến khích ngân hàng cho vay bằng hình thức tín chấp đối với một số ngành khó khăn do dịch bệnh; Khuyến khích cho vay đầu tư trang thiết bị y tế, hạ tầng y tế, nghiên cứu vaccine, cơ sở điều trị; Ngân hàng đồng hành với DN hỗ trợ vốn mua nguyên vật liệu dự trữ cho sản xuất và xuất khẩu. 

Để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho DN nội, nhất là những DN sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm cho rằng, khó khăn nhất của ngành là thiếu nguyên liệu sản xuất, giá thành một số nguyên liệu nhập khẩu tăng vài chục phần trăm. Bên cạnh đó, DN đang phải gánh chi phí cho vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tăng cao gấp 2 – 3 lần so với điều kiện sản xuất bình thường.
sg3
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tham dự hội nghị. Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM
Trước thực tế đó, hội kiến nghị TPHCM cần triển khai gấp rút 6 giải pháp mạnh. Cụ thể:

– TPHCM cần chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và lực lượng kiểm tra các chốt tại chỗ tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu từ nơi sản xuất, kho hàng đến điểm bán hàng bình ổn thị trường, khu cách ly tập trung, khu dân cư bị cách ly, bệnh viện… trong mọi tình huống.

– Tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” giữa các tỉnh thành, với doanh nghiệp TPHCM trong thời gian gần đây diễn ra phức tạp, làm gián đoạn hoạt động sản xuất của DN. Nhiều DN gặp khó khăn, bất cập trong việc vận chuyển, phân phối hàng hóa giao thương qua lại.

Điều này cũng đi ngược với chủ trương thực hiện mục tiêu kép của Thủ tướng Chính phủ là vừa phòng chống dịch Covid 19 nhưng vẫn phải phát triển kinh tế. Do vậy, TPHCM sớm có văn bản trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để đảm bảo cho hoạt động lưu thông hàng hóa không bị đình trệ, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN.

– TPHCM nghiên cứu, chủ động nguồn vaccine Covid-19 nhằm sớm triển khai tiêm diện rộng cho người lao động, nhất là tại các khu cụm công nghiệp, các DN sản xuất ngành trọng yếu của TPHCM – nơi có nguy cơ cao và là huyết mạch sống còn của nền kinh tế, an sinh xã hội. Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho các nhà máy sản xuất các mặt hàng thiết yếu, ngoài lực lượng của DN, rất cần Nhà nước hỗ trợ thêm về các vấn đề liên quan đến y tế, vệ sinh, phun khử khuẩn…

– Cần có cơ chế tác động đến các đơn vị bán lẻ rút ngắn thời gian thanh toán tiền hàng nhằm tăng khả năng lưu động vốn của các DN sản xuất, nhất là DN sản xuất sản phẩm thiết yếu.

– TPHCM cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển kho lạnh. Đây chính là vấn đề thiết thực đối với một quốc gia mà nông nghiệp là ngành chiếm tỷ trọng cao, không chỉ phục vụ cho ngành chế biến thực phẩm mà cả ngành thủy sản Việt Nam. Và để làm được điều này, TPHCM đề xuất xin cơ chế từ Chính phủ, chỉ cần hỗ trợ về mặt chính sách, bao gồm hỗ trợ về vốn vay dài hạn, lãi suất ưu đãi, thuế… để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư phát triển các hệ thống kho này, góp phần làm tăng giá trị hàng hóa, tạo dựng chuỗi liên kết cho các hộ sản xuất nông nghiệp, các DN vừa và nhỏ.

– Về phía ngân hàng nhà nước, sớm bổ sung các DN sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu vào danh sách các đối tượng được hỗ trợ các chính sách về miễn giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay… Song song đó, cho phép áp dụng việc điều chỉnh nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp từ 70% như hiện nay lên 85% đối với những DN đang làm ăn có uy tín, giúp DN tăng giá trị vốn vay lưu động ngắn hạn, tạo cơ sở để DN tăng dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm, góp phần bình ổn thị trường, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Nguồn tin: ÁI VÂN - SGGPO

Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *