Bên cạnh mặt tích cực, một số nội dung của Thông tư 23 vừa được Bộ KHCN ban hành có thể gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trên thị trường.
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại buổi Hội nghị “Gặp gỡ và đối thoại doanh nghiệp về việc nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng theo Thông tư 23/2015/TT – BKHCN” được Sở KHCN TP.HCM tổ chức ngày 4/5.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh cho biết, từ năm 2011 đến nay, công ty đã đầu tư gần 50 tỷ đồng để mua sắm các máy công cụ như trung tâm gia công CNC, máy cắt dây CNC, máy bắn tia lửa điện CNC, máy hàn laser… từ các nước có công nghệ phát triển như Đức, Ý, Nhật…
Đây là một bước ngoặt trong quá trình phát triển của công ty. Bởi trước đó hầu hết máy móc của Duy Khanh đều được nhập khẩu tại Đài Loan, khó có thể đáp ứng được những sản phẩm yêu cầu độ chính xác cao cho nền sản xuất hiện tại.
Sau khi đổi mới, khả năng công nghệ của Duy Khanh hiện nay có thể đáp ứng được hầu hết các yêu cầu của khách hàng với nhiều chi tiết máy, khuôn chính xác cao cho các khách hàng tại châu Âu, Nhật…
Tuy nhiên, ông Tống thừa nhận, công ty đã gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi vốn đầu tư vì các loại máy móc này tương đối đắt, thời hạn khấu hao lâu, khả năng khai thác hết công suất của máy là một bài toán khó.
“Để đầu tư, công ty phải có vốn đối ứng và nói thật là phải có vốn dự phòng để trả nợ ngân hàng khi việc khấu hao trong giai đoạn đầu là không đủ cho việc trả nợ. Việc này là để đảm bảo lịch sử tín dụng của công ty luôn tốt, làm tiền đề cho các lần xoay vốn tiếp theo vì nếu có lịch sử trễ hạn trả nợ vay sẽ rất khó vay tiếp”.
Theo ông Tống, phải nghĩ đến tương lai rất xa, doanh nghiệp mới dám đầu tư máy móc công nghệ mới. Bởi doanh nghiệp phải có đủ nguồn lực tài chính để đối mặt với hiệu hiệu quả hoạt động chưa chắc đã tốt trong thời gian đầu.
Thực tế hiện nay, có rất ít doanh nghiệp cơ khí đầu tư nhiều cho công tác đổi mới máy móc thiết bị công nghệ mới, mà đa phần là mua thêm các máy móc đã qua sử dụng nhưng chất lượng còn đảm bảo cho quá trình sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp khi bắt đầu sản xuất cũng sẽ đầu tư các máy đã qua sử dụng nhưng vẫn còn giá trị sử dụng tốt, đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận khách hàng vì chưa có đủ nguồn lực tài chính, cũng như khả năng khai thác thiết bị mới một cách hiệu quả.
“Ngay cả khi có nguồn lực tài chính, thì trong nhiều trường hợp, do nhu cầu độ chính xác gia công trong quá trình gia công thô hoặc bán tinh, sản phẩm chỉ yêu cầu độ chính xác không cao như khi sản xuất các thiết bị lớn, nếu đầu tư máy mới của Trung Quốc với giá thành rẻ hơn thì chỉ sau thời gian sử dụng ngắn là không còn hiệu quả sử dụng. Còn nếu đầu tư máy mới của các nước tiên tiến thì chi phí cao, sẽ bị thiệt hại trong quá trình sản xuất kinh doanh nên không ai đầu tư. Cuối cùng là không phát triển được sản xuất”, ông Tống đánh giá.
Đánh giá về Thông tư 23 mới được Bộ KHCN ban hành, ông Tống cho rằng, quy định chỉ được nhập máy móc có tuổi thọ dưới 10 năm là không phù hợp với thực tế. Bởi ngoài những lĩnh vực đặc thù, hầu hết những máy móc có tuổi thọ như vậy có rất ít trên thị trường (chỉ chiếm khoảng 1%) và do một số công ty phá sản bán ra. Còn lại chủ yếu là các loại máy có tuổi thọ trung bình từ 15 – 30 năm mới được các công ty lớn bán đi để đổi máy mới. Các máy này trong những điều kện nhất định vẫn còn sử dụng tốt vì được sản xuất tại các quốc gia tiên tiến về kỹ thuật chế tạo máy công cụ.
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp khó khăn khi quy định nhập khẩu máy móc thiết bị cũ của Thông tư 23 có hiệu lực (ảnh internet)
Cùng chung quan điểm, ông Huỳnh Quốc Tuấn, Giám đốc một doanh nghiệp có 15 năm kinh nghiệm trong việc nhập khẩu và sản xuất máy móc cho rằng, tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là trong lĩnh vực cơ khí gần như không có khả năng mua sắm máy móc thiết bị mới vì giá thành quá cao.
“Bản thân chúng tôi những năm qua cũng nhập khẩu máy móc từ nước ngoài về, tân trang lại và xuất khẩu sang các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… mà không hề gặp quá nhiều rào cản. Nước họ chỉ yêu cầu chúng tôi xuất trình được giấy chứng nhận về đảm bảo môi trường và hiệu quả sử dụng. Còn lại là tự các doanh nghiệp giao dịch với nhau”.
Theo ông Tuấn, Thông tư 23 có nhiều điểm đổi mới như bỏ qua định về giám định chất lượng phải đạt 80% mới cho nhập khẩu, thời hạn áp dụng dài… Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét những trường hợp cụ thể để tránh làm khó cho doanh nghiệp.
Môt doanh nghiệp có 10 năm bán các loại máy móc của Nhật chia sẻ: “10 năm qua, chúng tôi chỉ có 50 khách hàng có nhu cầu mua máy móc mới. Còn lại hơn 1.000 khách hàng là mua máy cũ. Trong đó, khách hàng sử dụng máy có tuổi thọ từ 15 – 25 năm chiếm hơn 90%. Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ mới khởi nghiệp, vốn từ 3 – 5 tỷ đã được coi là lớn. Nhưng với số tiền này thì không thể tiếp cận với những loại máy móc mới. Cũng không thể vay ngân hàng hay các tổ chức tín dụng, bởi họ yêu cầu công ty phải có thời gian thành lập từ 2 năm trở lên, hoặc chứng minh được tín dụng, hiệu quả tài chính… Có thể nói, Thông tư 23 có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải từ bỏ đam mê khởi nghiệp”.
Đưa ra một ví dụ cụ thể, vị này cho biết, hiện tại, ngoài thị trường đang bán thiết bị dập trực khuỷu mới của Trung Quốc. Thiết bị này dập bằng chân, không có gì để bảo vệ và chắc chắn là không an toàn. Thế nhưng, máy dập trực khuỷu của Nhật Bản, chế tạo từ thập niên 90 lại có 2 chốt an toàn và hệ thộng dập tự động để bảo vệ người lao động. Chưa kể, máy mới của Trung Quốc lại tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn so với máy cũ của Nhật Bản.
“Nếu mua đồ mới, nhiều doanh nghiệp sẽ lựa chọn hàng Trung Quốc bởi giá thành rẻ hơn rất nhiều so với các loại máy móc cùng thế hệ của Đức, Nhật… Nhưng chẳng lẽ, biết nó thậm chí không tốt bằng các loại máy cũ, chúng tôi vẫn cứ phải cắn răng sử dụng?”.
Ông Trịnh Xuân Kỳ, Phó tổng giám đốc công ty thang máy Thiên Nam cũng cho biết, mấy năm trước, công ty của ông cũng có mua một số thiết bị mới của Trung Quốc về sử dụng. Thế nhưng chỉ 2, 3 năm sau là số máy móc này bị hư hỏng gần hết. Cuối cùng, doanh nghiệp lại phải nhập khẩu một số thiết bị cũ của Nhật về để làm việc. “Dù là đồ cũ, nhưng các máy móc này tốt hơn Trung Quốc rất nhiều.”
Ông Nguyễn Minh Văn, Giám đốc Công ty thiết bị cơ khí MTC cho rằng, với doanh nghiệp Nhà nước, việc nhập khẩu có thể chịu sự quản lý của các Bộ, Ngành để mang lại hiệu quả cao nhất với số tiền mà Nhà nước đã bỏ ra. Nhưng doanh nghiệp tư nhân, nên để tùy theo tình hình tài chính của họ để có sự lựa chọn sao cho phù hợp. “Tôi dám chắc rằng, khi họ tự bỏ tiền ra để mua sắm máy móc phục vụ cho hoạt động của mình, chẳng ai dại gì mà đi mua những dây chuyền thiết bị không thể sử dụng về để rồi phá sản”.
Trao đổi về những ý kiến của doanh nghiệp, ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ, Bộ KHCN cho rằng, Thông tư 23 là chủ trương của Chính phủ nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và tránh biến nước ta thành một bãi rác thải công nghệ trên thế giới.
Thời gian qua, Bộ KHCN cũng đã làm việc với nhiều Bộ, Ngành và doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau để lấy đóng góp về Thông tư.
Với những ý kiến của các đại biểu hôm nay, Vụ sẽ tiếp thu và có những đề xuất lên Bộ KHCN, Bộ Công Thương… để có hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Thiện An