TRUNG TÂM WTO TỔ CHỨC THÀNH CÔNG KHÓA ĐÀO TẠO “TỰ CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HÓA”

Ngày 17-19/8, Trung tâm WTO TP. HCM đã phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương tổ chức thành công khóa đào tạo ‘Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa” cho doanh nghiệp.

Tham dự khóa đào tạo có hơn 60 học viên đến từ các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Khóa đào tạo được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp và cá nhân hệ thống hóa, cập nhật các quy định về quy tắc xuất xứ và cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa; hướng dẫn doanh nghiệp và cá nhân vận dụng có hiệu quả các quy định đó để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam là thành viên FTA, trong đó có thị trường ASEAN.

Phát biểu khai mạc khóa học, ông Nguyễn Văn Trình – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cho rằng việc tham gia đàm phán ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, tuy nhiên đi kèm với nó là những thách thức không hề nhỏ. Để tận dụng được cơ hội mà các FTA mang lại, vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp cần lưu ý chính là xuất xứ hàng hóa.

Theo bà Bùi Kim Thùy – Phó trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa – Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, báo cáo viên chính của khóa đào tạo, nếu thuế suất trung bình giữa các nước là thành viên WTO là khá cao từ 5-25% thì thuế suất trung bình trong các cam kết FTA thấp hơn rất nhiều chỉ từ 0-5%. Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi thuế quan lý tưởng của các FTA, cách duy nhất là hàng hóa phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho mỗi FTA.

pic 22-8-4

 

Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi về quy tắc xuất xứ, hiện nay, Bộ Công Thương cũng đã triển khai chương trình thí điểm về tự chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định thương mại với ASEAN. Thị trường ASEAN hiện chiếm khoảng ¼ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, khi cam kết FTA Việt Nam với EU và TPP có hiệu lực thì lợi ích của việc chứng nhận xuất xứ sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Khóa tập huấn diễn ra trong 2,5 ngày, bao gồm 5 chuyên đề:

Chuyên đề 1: Thực trạng doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập.

Chuyên đề 2: Tổng quan về hội nhập kinh tế quốc tế. Các Hiệp định thương mại tư do Việt Nam tham gia.

Chuyên đề 3: Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định thương mại hàng hóa ATIGA

Chuyên đề 4: Quy tắc xuất xứ trong các FTA và ATIGA

Chuyên đề 5: Tự chứng nhận xuất xứ – Xu hướng và lợi ích. Hướng dẫn chi tiết về Tự chứng nhận xuất xứ theo Thông tư 28/2015/TT-BCT.

Cuối khóa đào tạo, các học viên đã phải trải qua một kỳ thi, nếu đủ điều kiện sẽ được cấp giấy chứng nhận về xuất xứ hàng hóa – là một trong những điều kiện bắt buộc để trở thành thương nhân tự chứng nhận xuất xứ.

Nguồn tin: HCC - WTO

Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *