Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia hiện nay còn rất thấp khi tỷ lệ nội địa hóa hàng xuất khẩu chưa cao trong khi quy tắc xuất xứ lại là một thách thức lớn. Việc nâng cao hơn nữa tỷ lệ cung ứng nội địa là một mấu chốt để giải quyết chuyện này.
Mới đây, trong buổi gặp gỡ giới doanh nghiệp (DN) tại Tp.HCM, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Tp.HCM, than phiền rằng: Hiện tại, tỷ lệ cung ứng nội địa của các DN Nhật Bản tại Việt Nam là 32%, còn rất thấp nếu so với ở Thái Lan là 56% hay ở Trung Quốc là 65%.
Bất lợi khi hội nhập!
Điều này là thiệt thòi lớn cho phía DN Việt khi Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất mới của châu Á và là một trong số những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất thế giới nhờ lợi thế của chi phí lao động, ưu đãi về thuế và vị trí thuận lợi trong chuỗi cung ứng. Đặc biệt là việc tham gia vào các FTA quan trọng (TPP, AEC, EVFTA, FTA Việt Nam – EAEU), Việt Nam nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài (FDI).
Với Nhật Bản, trong 10 năm qua, thương mại song phương giữa Việt Nam và nước này đã có tốc độ tăng trưởng ấn tượng 13,9% hàng năm. Hơn nữa, có đến 2.586 chủng loại thuế đã được loại bỏ sau khi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực vào tháng 10/2009, chiếm 28% của tổng số 9.390 dòng thuế cam kết.
Chính vì vậy, vị lãnh đạo JETRO lưu ý: Trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam, việc bãi bỏ thuế quan đang đặt việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà sản xuất thành một nhiệm vụ cấp bách. Tôi nghĩ rằng việc nâng cao hơn nữa tỷ lệ cung ứng nội địa là một mấu chốt quan trọng.
Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở Tp.HCM hiện có khoảng hơn 260 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc ngành Công nghiệp hỗ trợ, chiếm trên 50% tổng DN FDI, chủ yếu sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho các ngành: Điện tử, cơ khí, ô tô…
Tuy nhiên, sản phẩm của các DN này chủ yếu được xuất khẩu ra nước ngoài nhằm thực hiện các công đoạn tiếp theo của chuỗi cung ứng toàn cầu. Phần lớn nguyên liệu, linh kiện phụ tùng cho các DN này được nhập khẩu từ nước ngoài, cho thấy liên kết giữa các DN FDI và DN trong nước đến nay vẫn còn hạn chế.
Chính vì tỷ lệ nội địa hóa thấp, lại chỉ quen làm gia công, năng lực tự sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu còn hạn chế nên không tránh khỏi chuyện nhập khẩu nhiều nguyên liệu, máy móc thiết bị từ nước ngoài.
Điều đó cũng lý giải tỷ lệ nhập siêu của khối DN FDI luôn cao là do nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất tại Việt Nam của các DN này rất lớn.
“Xương sống” quy tắc xuất xứ
Do tỷ lệ nội địa hóa thấp, nên nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khó đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan. Ngay như trong công nghiệp hỗ trợ, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chỉ đạt 33%, thấp hơn nhiều so với Thái Lan là 55%, Indonesia với 43%.
Theo một thống kê gần đây, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia hiện nay rất thấp (ngoại trừ AKFTA 85%) – trung bình 35%, tức là 65% còn lại là hàng hóa phải chịu thuế MFN cao hơn nhiều so với mức thuế FTA từ 0 đến 5%.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tỷ lệ này được đo bằng tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế FTA chia cho tổng kim ngạch xuất khẩu chung đến một thị trường FTA.
Một trong những lý do chính đó là DN chưa có hiểu biết đầy đủ về quy tắc xuất xứ nên đã không tận dụng được ưu đãi xuất xứ, không xin được C/O ưu đãi và không được hưởng mức thuế quan 0 – 5% mà các FTA mang lại.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, không ít mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn nhưng khó tính như Mỹ, EU hoặc các quốc gia thuộc TPP thường vấp những rào cản đáng ngại về việc quy tắc xuất xứ – vấn đề luôn được coi là xương sống của các FTA.
Bên cạnh đó, có không ít DN FDI đầu tư vào Việt Nam sản xuất gia công hàng hóa xuất khẩu dù chưa đủ điều kiện đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ nhưng vẫn ghi xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hoặc hợp lý hóa bộ hồ sơ để xin cấp C/O.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng chỉ khi nâng cao nhận thức của DN về FTA, đặc biệt về xuất xứ, các quy tắc cụ thể mặt hàng (ROO, PSR) – yếu tố cốt lõi của tất cả các FTA, thì tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA mới được cải thiện.
Theo thống kê mới đây, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang có mức tăng 10,4%, cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước, nhất là cơ khí chế tạo. Trong 9 tháng đầu 2016, xuất khẩu của nhóm công nghiệp chế biến, kim ngạch xuất khẩu nhóm ước đạt 102,66 tỷ USD, tăng 8,5%.
Điều này được hy vọng sẽ giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa trên các sản phẩm xuất khẩu mang lại kim ngạch lớn cho Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt là công nghiệp điện tử khi một số các DN điện tử đa quốc gia như Samsung, Intel, Microsoft, LG, Panasonic đã chuyển một phần hoạt động hoặc hoàn toàn vào Việt Nam với hàng tỷ USD chỉ trong một vài năm.
Còn nhớ, mục tiêu lớn đặt ra cho ngành sản xuất linh kiện của Việt Nam đến năm 2020 là đáp ứng 60% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp, và 80% đến năm 2030.
Thực ra, nhiều DN FDI bày tỏ rất muốn tìm kiếm nhà cung ứng phù hợp tại Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hoá, giảm nhập khẩu. Phía các DN nội địa cũng khẳng định muốn tăng cung ứng cho khối ngoại. Thế nhưng để cung cầu gặp nhau xem ra vẫn còn nhiều chuyện nan giải ở phía trước.
Nguồn: http://thoibaokinhdoanh.vn-Thế Vinh
Nguồn tin: HCC - WTO