TAIWAN EXPO 2017 được tổ chức bởi Thương vụ Đài Loan (TAITRA) từ ngày 26-28/07/2017 tại Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Sài Gòn (SECC) – Quận 7, Tp. HCM với mục tiêu tăng cường hợp tác và phát triển giao thương giữa Việt Nam – Đài Loan.
Với quy mô trưng bày trên 3.500m2, triển lãm có sự tham dự của hơn 150 Doanh Nghiệp đến từ Đài Loan với hơn 170 gian hàng. Các hội thảo chuyên ngành, buổi tuyển dụng nhân sự chuyên nghiệp, hoạt động trưng bày sản phẩm và trình diễn các công nghệ mới cũng như góc chăm sóc sức khỏe, cuộc sống xanh… được xây dựng độc đáo trong khuôn khổ Triển lãm chắc chắn đã đem lại nhiều cơ hội và trải nghiệm thú vị cho khách tham quan.
Trong khuôn khổ Triển lãm, diễn ra đồng thời Hội thảo Diễn đàn công nghiệp ngành máy móc Đài Loan 2017 – Industry Forum Taiwan Machinery on 2017 Taiwan Expo. Do Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP.HCM (HAMEE), phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại Đài Loan tại Việt Nam (Taitra) đồng tổ chức. Đây chắc chắn sẽ là kênh giao lưu và hợp tác hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tại Diễn đàn có sự tham dự và chia sẻ thông tin từ các diễn giả là Giám đốc điều hành các doanh nghiệp hàng đầu về chế tạo máy móc phục vụ ngành lương thực thực phẩm, sản xuất giày…, cũng đồng thời là lãnh đạo Hiệp hội công nghiệp máy móc Đài Loan (Tami).
Ông Mr. Chiu Hui Li – Đại diện Taitra phát biểu chào mừng các quan khách tham dự. Ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP.HCM (HAMEE) phát biểu khai mạc diễn đàn. Trong diễn đàn có các bài tham luận như:
– Sự Đổi Mới & Phát Triển Ngành Máy Móc Đài Loan. Do ông Chen Jin – Shen – Phó chủ tịch Ủy ban Máy móc sản xuất giày và đại diện TAMI trình bày.
– Những Ứng Dụng Mới Trong Ngành Máy Móc Sản Xuất Thực Phẩm. Do ông Robert Ou Young – Chủ tịch Hội đồng quản trị ANKO Food Machine Co., Ltd trình bày.
– Ngành Công Nghệ Máy Móc Công Cụ Đài Loan; Toàn Cảnh Sự Phát Triển Của Ngành Công Nghệ 4.0 và Máy Móc Thông Minh. Do ông George Lin – Tổng giám đốc L & L Machinery Industry Co,. Ltd trình bày.
Cách mạng công nghiệp 4.0, là viễn cảnh các nhà máy thông minh trong đó các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định có vẻ sẽ không còn xa xôi nữa.
Theo các chuyên gia, từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất cuối thế kỷ 18, sau hơn 200 năm, nhân loại đang bước vào ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo nhận định và phân tích của các chuyên gia và các nhà kinh tế, cuộc các mạng công nghệ lần thứ tư này, sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về phân bố nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất và tiêu dùng nhờ vào sự phát triển của khoa học công nghệ. Nền sản xuất tự động đặc trưng của cách mạng công nghiệp lần thứ 3, sẽ sớm chuyển sang nền sản xuất thông minh.
Ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch HAMEE cho biết: “Việc đầu tư máy móc công nghệ mới mang lại cho công ty năng lực công nghệ cao, tuy nhiên cũng gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn đầu tư vì máy móc công nghệ cao trong ngành cơ khí có giá rất đắt, thời hạn khấu hao lâu. Khả năng khai thác hết công suất máy một cách hiệu quả là một bài toán khó của doanh nghiệp.”
Theo đó, công nghệ thông tin có vai trò then chốt trong quá trình số hóa lĩnh vực công nghiệp nói chung và trong sản xuất công nghiệp nói riêng. Do đó, cần phải hiểu rõ bản chất của làn sóng công nghệ mới và khả năng sử dụng như thế nào. Đây là cuộc cách mạng mà những cá nhân hay tổ chức nào tham gia cũng cần phải hiểu rõ.
Nguồn tin: VP HAMEE