Ngày hội Tự động hóa 2020: Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là nhiệm vụ sống còn

Ngày 27/11, Trường Đại học Tôn Đức Thắng phối hợp Hội Tự động hóa TP.HCM tổ chức Ngày hội Tự động hóa năm 2020 với chủ đề Chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất.

au1

Ngày hội thu hút hơn 50 gian hàng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đã giới thiệu đến khách tham quan những sản phẩm, giải pháp về Tự động hóa và Số hóa. Khách được trải nghiệm thực tế các các thiết bị, máy móc demo, giao diện phần mềm trực quan trưng bày tại triển lãm bao gồm: dữ liệu và quản trị sản xuất thông minh, quản lý và lập kế hoạch sản xuất tự động, các ứng dụng trên nền tảng điện toán đám mây công nghiệp IoT, hệ thống điều khiển tự động hóa quá trình công nghiệp DCS, sản phẩm đo lường…

Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng đã tham gia chương trình với phần trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khoa học công nghệ cho giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên nghiên cứu chế tạo như robot, các hệ thống điều khiển, các sản phẩm công nghệ thông tin, khoa học môi trường và nông nghiệp công nghệ cao.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam (VAA), cho biết Ngày hội Tự động hóa là hoạt động thường niên của Hội tự động hóa TP.HCM. Đây là một chương trình có ý nghĩa, phù hợp với xu hướng vận hành và phát triển chuyển đổi số mà Chính phủ đã và đang thực hiện. Ngoài ra, chương trình cũng tạo môi trường kết nối, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, đào tạo nhân lực lĩnh vực tự động hóa.
au2
Với chủ đề “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất”, Ngày hội Tự động hóa năm 2020 thu 50 gian hàng tham gia.

Ông Quân đánh giá chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất khó hơn nhiều so với các ngành thương mại dịch vụ, vì vậy cần có sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ, các viện, trường thì công cuộc chuyển đổi số mới thành công. Những công tác cần chú trọng bao gồm Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Bên cạnh đó phải nâng cao vai trò của cơ quan quản lý và doanh nghiệp số. Ông cũng tin tưởng Việt Nam sẽ thực hiện tốt quá trình chuyển đổi số, nhân rộng mô hình ra nhiều doanh nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng tính cạnh tranh.

Còn ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM sau khi tham quan các gian hàng trong buổi triển lãm cũng nhận xét có rất nhiều sản phẩm công nghệ, có tính ứng dụng cao giúp các doanh nghiệp sản xuất tự động hóa, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiến đến chuyển đổi số thuận lợi.

“Hiệp hội nhận thức doanh nghiệp tại TP.HCM chiếm số lượng ⅓ tổng số doanh nghiệp cả nước, hoạt động kinh doanh rất năng động trên nhiều lĩnh vực. Để doanh nghiệp thực sự phát triển bền vững, hòa nhập nền kinh tế thì cần có giải pháp chuyển đổi số toàn diện. Hội xem chuyển đổi số là trọng tâm trong các hoạt động”, ông Dũng nói.

Cũng trong khuôn khổ Ngày hội Tự động hóa 2020 còn diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Thực trạng về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp và sản xuất”. Trong bài tham luận “chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất”, ông Nguyễn Viết Toàn – Trưởng Ban tổ chức, Phó Chủ tịch Hội tự động hóa TP.HCM, cho rằng các khuynh hướng sản xuất lúc nào cũng tồn tại những thách thức như cần tăng năng suất, giảm chi phí, đáp ứng cạnh tranh cao. Các thiết bị di động, công nghệ thông tin, AI, IoT ngày càng phổ biến. Do đó, theo ông, doanh nghiệp cần quản lý, thu thập dữ liệu tự động theo thời gian thực bên cạnh sự lên ngôi của robot, giải phóng sức lao động của con người.
au3
Theo PGS.TS Lê Hoài Quốc – Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM, hơn 90% doanh nghiệp ở Việt vẫn còn mơ hồ về công tác chuyển đổi số.
“Tự động hóa mang lại nhiều lợi ích bao gồm: cơ sở dữ liệu đầy đủ để sản xuất, báo cáo, phân tích và xử lý nhanh chóng, kịp thời đưa ra quyết định giúp tối ưu hóa sản xuất và giảm sai sót, giúp giám sát linh hoạt thông qua thiết bị di động, đáp ứng yêu cầu khắt khe về quy trình quản lý, hiệu quả năng lượng…”, ông Toàn cho biết.

Theo PGS.TS Lê Hoài Quốc – Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM, hơn 90% doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn đang mơ hồ về công tác chuyển đổi số. Việc này đòi hỏi tổ chức, doanh nghiệp phải có quyết tâm thay đổi từ nhận thức, không ngừng thử nghiệm cái mới và học làm quen với thất bại. Chính vì thế, nhiều đơn vị rất chật vật trong quá trình chuyển đổi số vì khó bỏ được những giá trị cốt lõi vốn có từ lâu nay. Ông cho rằng, nguyên nhân là do thiếu kinh nghiệm trong quản trị, thiếu sự đầu tư kỹ lưỡng cho chuyển đổi; các chiến lược cần thiết được vạch ra cho chuyển đổi số vẫn trong tình trạng nhiều thiếu sót, chưa hoàn thiện và đưa vào áp dụng. Dù vậy, các doanh nghiệp cũng đang dần tiếp nhận, học cách “tồn tại”, cố gắng thực hiện chuyển đổi số qua việc áp dụng các công cụ như điện toán đám mây, chatbot, blockchain hay công nghệ tương tác ảo AR…

Còn ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM thì nhận định thành phố có cơ hội thu hút nhiều doanh nghiệp tiên phong trong các dịch vụ kỹ thuật số, hướng tới tạo ra xã hội kỹ thuật số. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của thành phố gặp nhiều thách thức. Đó là các chính sách, quy định, năng lực quản lý của cơ quan nhà nước chưa theo kịp thực tiễn quá trình chuyển đổi số…

Để thúc đẩy chuyển đổi số, ông Cường cho rằng cần tổ chức phổ biến kiến thức để doanh nghiệp nhỏ và vừa tự đánh giá mô hình kinh doanh nhằm có phương thức chuyển đổi số phù hợp.

Nguồn tin: Tấn An - doanhnhansaigon.vn

Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *