Chuyển đổi số trong doanh nghiệp khó nhưng không khó

Đó là những ý kiến của các đại biểu tại hội thảo “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp” được tổ chức tại nhà máy của công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (DDC) nhân chuyến thăm nhà máy của đơn vị này.

Đây là chương trình nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp (DN), doanh nhân trong các hội nghề nghiệp thăm quan, tìm hiểu các đơn vị thành viên, từ đó thắt chặt tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Ý tưởng của Ban lãnh đạo Công ty Đại Dũng và Hội Doanh nghiệp cơ khí điện TP Hồ Chí Minh (HAMEE), Hội Kỹ thuật Hàn TP Hồ Chí Minh (HAWEL), CLB Doanh nhân Thanh Hóa tại TP Hồ Chí Minh và phía Nam (HTBC), Hội doanh nghiệp huyện Bình Chánh để tổ chức chương trình thăm quan công ty Đại Dũng và hội thảo chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Mô hình trong các giai đoạn chuyển đổi số

Ông Phan Thanh Sơn – Giám đốc Phát triển kinh doanh FPT Information System (tập đoàn FPT) nhận định, các DN Việt Nam, đặc biệt là DN nhỏ và vừa đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động bởi đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các nhà sản xuất và người tiêu dùng phải thay đổi và thích ứng.

Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, được Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ xác định là giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tồn tại, tăng tốc và phát triển.

Chính vì vậy, từ tháng 01/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành và triển khai chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 với mong muốn các DN Việt Nam thay đổi, thích ứng với những điều kiện mới, nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với nỗ lực của các DN và sự đồng hành của Chính phủ, các địa phương, cơ quan hỗ trợ, tổ chức hiệp hội và cộng đồng DN công nghệ, mục tiêu chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ đạt được những thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy DN nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua khó khăn thách thức để cùng nhau tạo dựng đất nước độc lập, tự chủ và phát triển mạnh mẽ.
 

Ông Phạm Văn Lũy, Quyền Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh chia sẻ tại hội thảo

Ông Phạm Văn Lũy, Quyền Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho rằng: Chuyển đổi số là quá trình khách quan, muốn hay không thì chuyển đổi số vẫn diễn ra và đang diễn ra. Để kịp thời nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, đưa kinh tế số của Thành phố nói chung, huyện Bình Chánh nói riêng phát triển nhanh, đạt mục tiêu đề ra.

Theo ông Lũy, nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển kinh tế số; trong đó việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng DN có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ hội để phát triển các DN.

Với quan điểm người dân và DN là trung tâm của chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp đang có tác động hàng ngày đến từng DN, thay đổi nhận thức, mang lại hiệu quả cao hơn, giúp tiết kiệm chi phí trong doanh nghiệp… do đó từng DN cần ưu tiên chuyển đổi số.

“Để thực hiện đạt các mục tiêu chuyển đổi số, huyện Bình Chánh rất mong từng DN triển khai một cách mạnh mẽ, nhanh hơn nữa việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đó là đào tạo, hướng dẫn cho đội ngũ quản lý và người lao động của DN để tham gia vào quá trình thực hiện chuyển đổi số; bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của DN nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số nhanh chóng, thành công; đầu tư cơ sở vật chất cho chuyển đổi số trong doanh nghiệp”, ông Lũy nhấn mạnh.

Ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí Điện TP Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội thảo

 

Ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí Điện TP Hồ Chí Minh cho rằng: làm sao để giải quyết bài toán chuyển đổi số, đó là một bài toán rất khó đặc biệt là các DN nhỏ và vừa bởi chi phí đầu tư cho chuyển đổi số là không nhỏ. Theo ông Tống, chuyển đổ số đối với các DN nhỏ và vừa cần phải có những gói phù hợp, hơn nữa chuyển đổi số trong doanh nghiệp phải được thực hiện từ người lãnh đạo và được chuẩn hóa nếu không hiệu quả đầu tư cho chuyển đổi số sẽ không thành công.

Đồng quan điểm này ông Phan Thanh Sơn cho rằng: Các giải pháp cho DN nhỏ và vừa thường đúc kết từ các đúc kết từ thực tiễn của nhiều doanh nghiệp và cập nhật tính năng mới liên tục qua yêu cầu của số đông qua mô hình SaaS (phần mềm như dịch vụ qua mô hình đám mây). Các DN nhỏ và vừa cần có tư duy mình cần thay đổi để áp dụng thay vì bắt phần mềm SaaS thay đổi, DN nhỏ và vừa phải thay đổi theo đặc thù của mình thì sẽ chuyển đổi số rất nhanh chóng, khi đã làm chủ được ứng dụng một số hệ thống thì chính trong lòng DN nhỏ và vừa sẽ có thể có những sáng tạo cho riêng mình bằng các công cụ phát triển ứng dụng đơn giản. Như công ty Đại Dũng chẳng hạn, công cụ quản lý dự án là chính do Đại Dũng tự phát triển. Tuy nhiên, những bước nhỏ ban đầu thì có thể chọn các công cụ dạng dịch vụ đám mây rất dễ dùng và chi phí phù hợp với DN nhỏ và vừa.

“Tôi có quen một người bạn anh ấy có 5 cái sà lan chở vật liệu xây dựng và đội xe ben khoảng 20 chiếc. Anh ấy dùng một mobile áp của một công ty IT nhỏ cung cấp kèm theo thiết bị máy tính công nghiệp có các cảm biến (GPS,…), thêm phần cảm biến đo dầu và một số camera để có thể quản lý đội xà lan, xem từ xa với chi phí tối ưu. Doanh nghiệp cỡ này chắc chắn là nhỏ hơn các doanh nghiệp của anh chị nhiều” ông Sơn dẫn chứng.
 

Ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dũng phát biểu tại hội thảo

 

Ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dũng cho rằng, chuyển đổi số tuy khó nhưng mà không khó, bởi nếu người đứng đầu DN có quyết tâm và theo đuổi mục tiêu chuyển đổi số một cách khoa học và triệt để thì việc chuyển đổi số sẽ thành công. Chúng ta phải lựa cơm gắp mắm bởi vì tiềm lực kinh tế của các DN là khác nhau nên việc áp dụng chuyển đổi số cũng phải từng bước để phù hợp với khả năng của từng doanh nghiệp.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm trước sân của Công ty Đại Dũng

Được biết, công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng là một trong những DN hàng đầu về lĩnh vực cơ khí, đồng thời là chuyên gia trong việc thiết kế, gia công và lắp dựng kết cấu thép hạng nặng tại Việt Nam. Đại Dũng áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế mới nhất như AISC, H-GRADE và ASME… kết hợp hệ thống máy móc hiện đại và 4 cụm nhà máy với diện tích 100ha đáp ứng công suất hơn 150.000 tấn thép/năm. Đại Dũng đã xuất khẩu hơn 40 quốc gia với những công trình đặc thù và yêu cầu kỹ thuật cao như sân vận động World cup Qatar 2022, nhà máy nhiệt điện Linkou và Talin, lọc hóa dầu Nghi Sơn… với sự tín nhiệm của các tổng thầu lớn như Obayashi, Doosan, Posco…

Nữ công nhân cơ khí đang điều khiển máy cắt laser tại nhà máy Đại Dũng

“Chúng tôi không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của mình bằng cách tăng khối lượng bán các mặt hàng cốt lõi, đa dạng hóa nguồn cung ứng toàn cầu và mở rộng sự hiện diện của chúng tôi trên thị trường tại khu vực và quốc tế. Dựa trên nền tảng văn hóa tổ chức lành mạnh và kinh nghiệm kinh doanh trên thị trường toàn cầu, chúng tôi cam kết rằng tất cả nhân viên tại Đại Dũng, bao gồm cả tôi, sẽ cung cấp cho khách hàng giá trị tối ưu bằng cách phát huy tối đa năng lực của chúng tôi và giữ khả năng cạnh tranh cao nhất.” ông Dũng cho biết thêm.

Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *