Xu hướng sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng

Việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh giúp giảm lượng điện tiêu thụ, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần cải thiện không gian sống.

Vật liệu xây dựng truyền thống tiêu tốn nhiều tài nguyên, tạo ra chất thải độc hại, khó tái chế. Thống kê của Viện Vật liệu xây dựng cho thấy, các công trình xây dựng sử dụng khoảng 17% nguồn nước, 40% nguồn năng lượng, 25% gỗ khai thác, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải các bon và 40% chất thải rắn xây dựng.

Do đó, việc tìm kiếm các vật liệu xanh trong xây dựng đang là xu hướng phát triển bền vững được nhiều người quan tâm. Những giải pháp công nghệ cao, sản phẩm thông minh được thay thế cho vật liệu xây dựng truyền thống, nhằm tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, thân thiện hơn với môi trường.
001

Tôn cách nhiệt dùng thay thế cho tôn dập sóng thông thường, có khả năng chống cháy, cách nhiệt. Ảnh: Quỳnh Trần.

Ông Giáp Văn Thanh – Tổng giám đốc Công ty TNHH cách âm cách nhiệt Phương Nam nhận xét bản chất của công trình xanh là tạo ra môi trường sống, xanh sạch, trong lành, tốt nhất cho con người. Một công trình được gọi là “xanh” phải bao gồm nhiều yếu tố, phù hợp với tự nhiên như thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, ánh sáng… đa dạng mục đích sử dụng, tận dụng vật liệu thân thiện môi trường.

Cụ thể, trước khi xây dựng công trình cần xem xét nhiều yếu tố như môi trường tại địa điểm xây dựng, kiểm tra dưới lòng đất, trên mặt đất, nước và không khí. Công trình thiết kế xây dựng phải bảo tồn hệ sinh thái, kết nối cộng đồng, thích ứng biến đổi khí hậu. Quá trình xây dựng cần tiết kiệm nước, đất, tận dụng nguồn nước mưa, nước thải, bảo tồn nước ngầm, ánh sáng nắng tự nhiên, dùng năng lượng tái tạo, rác thải được quản lý chặt chẽ. Khi công trình đưa vào khai thác sử dụng phải an toàn và bảo vệ sức khỏe.

Theo tiêu chuẩn LEED của Mỹ, công trình xanh phải đáp ứng tiêu chí sử dụng hiệu quả nước và năng lượng, thải ít khí CO2, tận dụng tốt tài nguyên ở địa phương, giảm thiểu năng lượng trong vận hành sản xuất và vận chuyển. Thống kê của Hội đồng công trình xanh Mỹ ghi nhận thế giới hiện có hơn 100.000 công trình thực hiện theo tiêu chuẩn LEED. Trong số đó, khoảng 44.000 công trình thuộc nước Mỹ, 60.000 phân bố ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, con số này tại Việt Nam chỉ có khoảng trên dưới 100 công trình, cho thấy vẫn còn rất ít chủ đầu tư xây dựng dự án, nhà xưởng sử dụng loại vật liệu đáp ứng tiêu chuẩn này.

“Hạn chế của vật liệu xanh nằm ở chi phí lắp đặt, giá thành cao. Đồng thời, một số rào cản về năng lực của đội ngũ thiết kế thi công, nhà thầu, chủ đầu tư và ngân sách chi phí đầu tư cũng là yếu tố khiến công trình từ vật liệu xanh chưa được đầu tư đúng mức”, ông Thanh nói.
002

Tất cả các tường, vách nhà xưởng của công ty TNHH cách âm cách nhiệt Phương Nam đều được xây dựng hoàn toàn bằng panel cách nhiệtẢnh: Quỳnh Trần.
Với kinh nghiệm hơn 25 năm sản xuất tấm cách nhiệt cung ứng cho các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, ông Thanh nêu ra ba nhóm chi phí tác động chính khi xây dựng một dự án xanh, bao gồm chi phí tư vấn, chi phí chứng nhận và chi phí tăng thêm (biến phí). Các loại biến phí gồm phí quản lý, kiểm tra chi tiết vật liệu, tiêu chuẩn đúng quy định, thực hiện thao tác lắp ráp theo trình tự, đúng bước, đúng cách, tiến trình công khai minh bạch, có nghiệm thu từng ngày lắp đặt. Do đó yêu cầu phải có sự phối hợp thống nhất của nhiều đối tác trên công trường… Sự khác biệt giữa dự án dùng các vật liệu xây dựng thân thiện môi trường với dự án không dùng loại vật liệu này là tuổi thọ của công trình. Những dự án sử dụng vật liệu xanh thường có thời gian sử dụng lâu hơn, tiết kiệm hơn nguyên vật liệu, điện năng.

Ông Thanh đưa ra ví dụ, để lắp dựng một kho lạnh đáp ứng nhiệt độ 0 xuống âm 10 độ C, nếu dùng vật liệu xây tô thì độ dày vách là 400mm. Trong khi đó, nếu dùng tấm panel Pisocy Phương Nam thì độ dày vách chỉ cần 100mm. Để tạo độ lạnh đạt âm 10 độ C, công trình xây dựng bằng vật liệu truyền thống cũng cần lượng điện năng tiêu thụ gấp bốn lần, để nuôi và duy trì độ lạnh ấy thì vách panel tiết kiệm điện năng gấp hơn hai lần. Một khu nhà xưởng với diện tích hơn 25.000 m2 có thể hoàn thành chỉ trong thời gian 3 tháng, thời gian sử dụng có thể lên đến 30 năm.

“Tính toán thực tế khi xây một nhà xưởng sản xuất hoặc kho chứa hàng hoá, có thể thấy lắp dựng bằng panel chỉ hao tốn một phần năm chi phí, thời gian, nguyên vật liệu so với xây bằng vật liệu truyền thống. Đặc biệt tiết kiệm năng lượng khi đưa vào vận hành khai thác sản xuất cho doanh nghiệp”, ông Thanh nhận xét.
003

Phân xưởng sản xuất panel cách nhiệt của công ty Phương Nam. Ảnh: Quỳnh Trần.
Công ty TNHH cách âm cách nhiệt Phương Nam chuyên sản xuất các sản phẩm panel cách nhiệt cao cấp, là một trong những vật liệu nhẹ cách âm cách nhiệt thay thế cho gạch nung, phù hợp nhu cầu khách hàng doanh nghiệp và các nhà thầu xây dựng. Dòng sản phẩm chủ lực của công ty là Pisocy panel có hệ số cách nhiệt cao, đáp ứng kho lạnh âm sâu lên đến âm 50 độ C, chống thất thoát nhiệt và không đóng tuyết khi lắp đặt kho lạnh âm sâu. Pisocy panel đáp ứng tiêu chuẩn chống cháy cấp độ B2, có khả năng chịu nhiệt lên đến 180 phút ở 300 độ C.

“Vật liệu công nghệ cao này ra đời, nhằm khắc phục các điểm yếu của phương pháp xây tô truyền thống đối với các địa hình nền móng yếu, dễ lún sụt. Ứng dụng panel cách nhiệt giúp các nhà đầu tư, nhà thầu rút ngắn thời gian thi công của công trình, dự án”, ông Thanh nhấn mạnh.
Nguồn tin: Hà Thanh – VnExpress.net

Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *