Apple mất độc quyền thương hiệu iPhone tại Trung Quốc

Apple vừa đánh mất quyền sở hữu độc quyền thương hiệu iPhone tại Trung Quốc sau khi hãng này không chứng minh được cái tên iPhone là một nhãn hiệu phổ biến tại đây, theo Bloomberg.

Tòa án Bắc Kinh mới đây đã ra phán quyết cho phép Xintong Tiandi – một công ty ít tên tuổi tại Trung Quốc chuyên sản xuất đồ da (ví, túi xách, thắt lưng…) có toàn quyền sử dụng thương hiệu “iPhone” trên các mặt hàng của mình, đồng thời Apple phải ngừng sử dụng cái tên iPhone trên tất cả các sản phẩm không phải là thiết bị di động của Hãng đang được bày bán tại Trung Quốc.

Được biết, trước đó, Apple lần đầu tiên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu iPhone cho sản phẩm máy tính và phần mềm của mình tại Trung Quốc vào năm 2002, nhưng bị đánh giá là thương hiệu kém phổ biến. Mãi tới năm 2013, cái tên iPhone mới được cấp duyệt.

Về phía Xintong Tiandi, công ty này cho biết đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu iPhone cho các sản phẩm da của mình tại Trung Quốc vào năm 2007 nhưng phải đến 2 năm sau, Xintong Tiandi mới chính thức bày bán những sản phẩm da thuộc có nhãn hiệu iPhone của mình ra thị trường và được cấp duyệt tên thương hiệu vào năm 2010.

Đặc biệt, Xintong Tiandi bày bán sản phẩm đúng 1 tháng trước khi những chiếc iPhone đầu tiên được giới thiệu tại Trung Quốc, khi iPhone đã trở thành nhãn hiệu nổi tiếng toàn cầu. Điều này dẫn tới cuộc chiến pháp lý giữa 2 công ty kéo dài từ năm 2012 cho đến nay.

Phán quyết của Tòa án Bắc Kinh đưa ra trong bối cảnh Apple đang gặp nhiều khó khăn tại thị trường Trung Quốc khi trước đó Hãng bị yêu cầu ngừng cung cấp iBooks và iTunes với lý do máy chủ không được đặt tại bản địa. Bên cạnh đó, doanh số iPhone bán ra trong quý I vừa qua lần đầu tiên giảm thấp trong vòng 13 năm mà một trong nguyên nhân chính do doanh thu tại thị trường Trung Quốc bị sụt giảm.

Đây không phải là lần đầu tiên Apple vướng vào những vụ kiện cáo liên quan tới thương hiệu với các công ty bản địa tại Trung Quốc. Năm 2012, Hãng đã thua kiện sau khi tranh chấp thương hiệu iPad với công ty Proview International Holdings và phải đền bù số tiền lên đến 60 triệu USD để được toàn quyền sử dụng nó.

Nguồn tin: DNSG Online

Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *