Khi tham gia Hiệp định hương mại tự do sẽ có những quy định chặt chẽ về chất lượng và xuất xứ hàng hóa bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ đúng. Đó là thông tin được nhấn mạnh tại hội nghị “Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) – Cơ hội và thách thức trong kinh doanh”.
Tuân thủ quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt là điểm mấu chốt khi tham gia TPP |
Bà VirginiaFoote – Chủ tịch và Giám đốc điều hành Bay Global Strategies (USA) cho biết, TPP là ngôi nhà đẹp cho Việt Nam nhưng trong đó có nhiều vấn đề mà Việt Nam cần giải quyết một cách rốt ráo mới có hiệu quả thiết thực. Theo bà VirginiaFoote, trở ngại lớn nhất của Việt Nam khi gia nhập TPP chính là vấn đề xuất xứ hàng hóa, bởi có nhiều mặt hàng Việt Nam đang bị yếu thế về nguyên liệu, đặc biệt là mặt hàng dệt may.
Đơn cử, tại thị trường Hoa Kỳ, ngành dệt may Việt Nam đang phải trả một số tiền thuế xuất khẩu khá cao. Tiền thuế của dệt may Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc vì lượng hàng dệt may vào thị trường này không nhỏ, trong khi Hoa Kỳ vẫn thực hiện chiến lược bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Về lộ trình cắt giảm thuế ngành dệt may, ngay khi tham gia TPP 60% thuế giảm từ ngày đầu tiên khi hiệp định có hiệu lực và giảm dần trong 12 năm tiếp theo song quy định xuất xứ hàng hóa của nội khối rất phức tạp.
Ông Nestor Scherbey – Cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa thương mại Việt Nam (VTFA) cho rằng, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong TPP không đơn giản. Các nước nội khối sẽ kiểm tra rất gắt gao vấn đề này. Sản phẩm sản xuất ở Việt Nam và xuất khẩu sẽ được phân tích từng thành phần. Các nước nhập khẩu sẽ xem quy trình sản xuất tại Việt Nam từ nguyên liệu sang sản phẩm có đúng với quy tắc chuyển đổi trong mã số của hàng hóa xuất nhập khẩu theo Hệ thống phân loại hàng hóa do Tổ chức Hải quan thế giới hay không? Liệu thành phẩm sau cùng có đáp ứng quy tắc xuất xứ hay không?…Doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa phải am hiểu kỹ các quy định, nếu không phải thuê chuyên gia hướng dẫn cụ thể nhằm tránh những rủi ro không đáng có. Chưa dừng lại ở đó, doanh nghiệp phải tự lưu trữ hồ sơ về nguyên liệu xuất xứ hàng hóa trong vòng 5 năm. Trường hợp các nước nhập khẩu hàng hóa thắc mắc về nguyên liệu hàng hóa họ sẽ tìm đến hải quan để hậu kiểm. Như vậy, không có chứng từ rõ ràng doanh nghiệp không những bị truy thuế mà còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.
Còn theo ông Herb Cocharan – Giám đốc điều hành Amcham, nhà xuất khẩu và nhập khẩu cần hài hòa các quy định. Rõ ràng TPP là một bộ những quy tắc về thuế quan đồng với WTO, vì vậy Việt Nam cũng phải tham chiếu giữa TPP và WTO. Hai hiệp định thương mại này sẽ song hành với nhau. Nếu như năm 2018 hiệu quả kinh tế từ TPP bắt đầu có tác dụng thì ngay bây giờ doanh nghiệp phải bắt tay vào đổi mới. Đổi mới từ phương thức, quản trị, trang thiết bị nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng có hàm lượng giá trị gia tăng cao để cạnh tranh với các nước trong nội khối nói riêng và các nước nói chung.
Từ những ý kiến trên, rõ ràng Việt Nam phải sớm giải quyết bài toán xuất xứ nguyên phụ liệu, thay vì tập trung nhiều vào cơ hội doanh nghiệp nên chú trọng giải quyết bài toán thách thức. Có như thế, khi TPP có hiệu lực chúng ta mới tận dụng được những thuận lợi mà hiệp định này mang tới cho cộng đồng doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Công thương