Làm gì để nâng cao năng lực cho các đơn vị trong khối cơ khí của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đáp ứng được yêu cầu và có sức cạnh tranh trên thị trường? Đó là câu hỏi lớn mà các nhà lãnh đạo cũng như công nhân, cán bộ TKV đang trăn trở.
Tại Hội nghị Nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất – kinh doanh của TKV giai đoạn đến năm 2020 vừa tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia đầu ngành cho rằng, 10 năm qua, cơ khí TKV có sự khởi sắc so với trước, song vẫn chưa tương xứng với năng lực hiện có. Sản phẩm cơ khí làm ra mới chỉ cung ứng một phần rất nhỏ phục vụ trong ngành, còn lại vẫn phải nhập khẩu, hạn chế của “hàng ngoại” là khi gặp sự cố phải chờ đợi thiết bị rất mất thời gian, ảnh hưởng đến năng suất. Chưa kể, thị trường cho sản phẩm cơ khí trong ngành hiện nay rất lớn và ngày càng tăng theo tốc độ tăng trưởng của tập đoàn. Ngoài ra, đội ngũ nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế so với các khối khác trong ngành. Vì vậy, việc đổi mới, phát triển công nghệ phụ trợ, đặc biệt là cơ khí chế tạo là yếu tố cần thiết để nâng cao năng lực khai thác ngành than những năm tới. Trong điều kiện ngành than đang rất khó khăn do khai thác xuống sâu, kéo theo nhiều vấn đề như độ an toàn, chi phí đẩy giá thành sản xuất ngày càng cao. Mặc dù tập đoàn đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực khai thác nhưng vẫn chưa đáp ứng năng suất do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề năng lực của khối cơ khí ngành than.
Trong “Quy hoạch phát triển ngành cơ khí than – khoáng sản giai đoạn đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030” đã nêu rõ định hướng phát triển cơ khí là: tăng cường năng lực tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo; đẩy mạnh tiếp thu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến đủ khả năng cung cấp thông tin, tư vấn chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong ngành… Hiện nay, TKV đang tiếp tục tận dụng tối đa các nguồn lực hiện có để tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh và đạt tiêu chuẩn chất lượng, duy trì tốc độ tăng trưởng của các đơn vị cơ khí. Ưu tiên chế tạo các sản phẩm, thiết bị cơ khí tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, phù hợp với nhu cầu sử dụng trong ngành. Tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới lại mô hình tổ chức, tạo sức mạnh tổng thể của cơ khí ngành với những sản phẩm chiến lược mang thương hiệu TKV. Bên cạnh đó là những giải pháp khuyến khích các đơn vị trong ngành tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, chế tạo các vật tư, thiết bị, sản phẩm mới để dần chủ động nguồn trong nước, giảm phụ thuộc vào nước ngoài.
Nhằm giúp khối cơ khí có đường hướng phát triển đúng, các chuyên gia cho rằng, tập đoàn cần đưa ra các giải pháp phát triển công nghệ phụ trợ, đặc biệt là cơ khí chế tạo. Các đơn vị trong khối cơ khí TKV cần chủ động tăng cường liên kết, hợp tác giữa các đơn vị trong khối; mỗi đơn vị cơ khí cần xây dựng lộ trình sản phẩm và chiến lược phát triển của riêng mình, tăng tỷ lệ nội địa hóa để tạo sự đột phá, đổi mới để đẩy mạnh phát triển cơ khí tương xứng với tiềm năng, đáp ứng yêu cầu phát triển của tập đoàn trong giai đoạn tới. Chủ động nghiên cứu, xây dựng lộ trình sản phẩm và chiến lược phát triển của riêng mình, tăng tỷ lệ nội địa hóa để tạo sự đột phá, đổi mới để đẩy mạnh phát triển cơ khí tương xứng với tiềm năng. Nói cách khác, cần có sự đột phá để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của sản xuất than – khoáng sản ngày càng cao.
Cơ khí TKV cần nghiên cứu chế tạo các sản phẩm cơ khí chuyên dụng có nhu cầu sử dụng lớn trong ngành, vừa giúp tiết kiệm ngoại tệ, vừa giúp tập đoàn chủ động hơn trong sản xuất. Phải tăng tỷ lệ chất xám trong các sản phẩm cơ khí, như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo “nếu không sáng tạo hơn cơ khí TKV sẽ thất bại ngay từ khâu lắp ráp”. |