Cho ý kiến vào Dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) trong phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật cần bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước, đồng thời làm rõ, minh bạch và chặt chẽ hơn trong các quy định về chính sách thuế.
Luật hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế
Theo Ban soạn thảo Luật, sau 10 năm thực hiện, đến nay, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (XNK) đã bộc lộ một số hạn chế. Theo đó, Việt Nam đã gia nhập WTO được 8 năm đã và sắp ký kết nhiều FTA quan trọng. Từ năm 2018 trở đi, thuế XNK về cơ bản sẽ được xóa bỏ theo các cam kết thuế quan.
Trong khi đó, để bảo vệ sản xuất trong nước, cần thiết phải bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý về các biện pháp phòng vệ thương mại (thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ…) trong trường hợp các ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại hoặc bị đe dọa thiệt hại do các hành vi bán phá giá, phân biệt đối xử của các đối tác thương mại.
Bên cạnh đó, Luật Thuế XNK hiện hành có một số nội dung không còn phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật nói chung và một số luật liên quan, như: Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường… và thực tiễn hoạt động XNK hàng hóa trong tình hình mới…
Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục các vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Luật Thuế XNK thời gian qua là cần thiết.
Cân đối giữa được và mất
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thẳng thắn: “Phải tính tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước, 3 lợi ích này nếu không được tính toán đầy đủ sẽ không có tác động thúc đẩy sản xuất mà còn kìm hãm sự phát triển”.
Lấy ví dụ từ việc các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh thành công ở các nước láng giềng nhưng lại gặp khó khi kinh doanh trong nước, ông Ksor Phước cho rằng, mới chỉ so sánh với các nước trong khu vực, chúng ta đã bộc lộ những hạn chế trong chính sách thuế. Vì vậy, đề nghị khi xem xét ưu tiên miễn, giảm thuế, cần quan tâm đến các đối tượng, nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn: Quy định miễn, giảm thuế NK đối với giống và phân bón NK sẽ gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp trong nước. Ông Phúc phân tích, nhiều địa phương đã sử dụng đến trên 90% giống thuần nội địa. Tương tự, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, tuy sản phẩm có giá thành cao, song đang trong quá trình phát triển công nghệ và giảm giá thành, do đó, cần cân nhắc để thúc đẩy sản xuất trong nước.
Về những mặt hàng được miễn thuế và cơ quan có thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý có ý kiến: Cần quy định ngay trong Luật vai trò quyết định về thuế của Quốc hội. Theo ông Lý, Quốc hội là cơ quan đưa ra quyết định cuối cùng về thuế, Chính phủ chỉ điều hành và tham mưu cho Quốc hội chứ không tham gia làm luật.
Đặt vấn đề về việc miễn thuế đối với mặt hàng tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trên thực tế rất khó kiểm soát, dễ bị lợi dụng, lách luật, trốn thuế, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị: Chính phủ cần làm rõ, thời gian qua, việc miễn thuế đối với hàng tạm nhập, tái xuất thường bị lách luật ở những mặt hàng nào để có những quyết định chính xác khi đưa ra danh mục hàng, nhóm hàng hóa được miễn thuế trong Dự thảo Luật sửa đổi lần này.
Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai: Cần đánh giá sâu sắc hơn tác động của Luật Thuế XNK dưới góc độ tác động tới đời sống xã hội, vì nếu để các mặt hàng NK vào thị trường Việt Nam tự do hơn thì người dân sẽ được hưởng lợi, nhưng ngược lại, một số ngành sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với những khó khăn. |
Hồng Quyên (nguồn: theo Hoàng Châu, http://baocongthuong.com.vn)