(TBTCVN) – Một thực trạng tồn tại rất lâu và chưa có dấu hiệu cải thiện là đã có rất nhiều doanh nghiệp (DN) thất bại do thiếu thông tin, thiếu quan hệ, nhất là DN khởi nghiệp…
DN vẫn mong muốn cần có sự cải cách hơn nữa về yếu tố nhân sự, con người.
Ông Hồ Hoàng Hải, Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Công ty CP Phú Thành
cho biết như vậy, khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.
* PV: Thời gian vừa qua, sự khủng khoảng và biến động của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã tác động lớn đến cộng đồng DN nước ta. Theo ông, đến thời điểm hiện tại, DN Việt đang gặp khó khăn gì?
– Ông Hồ Hoàng Hải: Có thể thấy, đại đa số DN nước ta vẫn gặp khó khăn về vốn. Chính phủ và các ban ngành liên quan đã tích cực tháo gỡ các rào cản để giúp DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn, tuy nhiên, điều kiện cho vay vẫn còn rất ngặt nghèo, làm khó DN.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, DN để có được hợp đồng kinh doanh phần lớn phải dựa vào quan hệ và đã có rất nhiều dự án thất bại do thiếu quan hệ. Thực trạng đó đã tồn tại rất lâu, ở tất cả các địa phương và dường như chưa có sự cải thiện. Điều này gây nên sự bất bình đẳng trong kinh doanh, không được cạnh tranh lành mạnh, nhất là đối với các DN mới thành lập, khởi nghiệp.
Thêm vào đó, DN Việt đã và đang rất “đói” thông tin về các chính sách pháp luật, quy định kinh doanh và thậm chí nhiều DN mù tịt những thông tin về các hiệp định thương mại tự do (FTA), mở cửa nền kinh tế.
* PV: Vậy theo ông, cần có giải pháp nào để giải quyết những khó khăn trên?
– Ông Hồ Hoàng Hải: Trước hết, để giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho DN, cần phải có giải pháp cụ thể và có tính khả thi cao về tín dụng. Từ mức lãi suất cho đến việc định giá tài sản hay các thủ tục giấy tờ liên quan cần có sự nới lỏng hơn, đơn giản hơn để “vừa tầm với” của DN.
|
Bên cạnh đó, cần phải minh bạch thông tin. Hiện nay, theo quy định, những gói thầu trị giá trên 1 tỷ đồng phải được đấu thầu. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách để đơn vị thực thi “lách” quy định như việc đăng tải thông tin ở các báo địa phương hay trên những website địa phương thay vì đăng trên các báo chuyên về đấu thầu. Hay có một số đơn vị dùng từ khóa sai. Ví dụ cụ thể như bảng điện tử led, khi tìm kiếm đấu thầu thì DN hay gõ các từ khóa liên quan như “màn led”, “bảng điện tử”, “bảng hiển thị”… nhưng có đơn vị làm truyền hình lại ghi là “thiết bị hiển thị trường quay”. Và như vậy, thông tin về đấu thầu mặt hàng này không thể đến với DN.
* PV: Để tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển, Chính phủ đã rất quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cụ thể là Nghị quyết 19. Từ góc độ DN, ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện nghị quyết này?
– Ông Hồ Hoàng Hải: Nghị quyết 19 của Chính phủ đã được các bộ, ngành tích cực thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả có sức lan tỏa lớn. Trong đó, nhìn thấy rõ hơn cả trên thực tế có lẽ phải kể đến những thành quả về cải cách thuế, hải quan.
DN đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí khi thực hiện các nghĩa vụ về thuế. Kế toán có thể ngồi tại văn phòng, thực hiện các thao tác rất đơn giản và thuận tiện trên máy tính là đã hoàn thành được việc nộp thuế mà trước đây vốn rất rườm rà, phức tạp, chạy đi chạy lại nhiều lần mới xong. Ngoài ra, việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cũng diễn ra nhanh chóng, thuận tiện và khoa học hơn, tạo ra được rất nhiều giá trị cho DN xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, DN vẫn mong muốn cần có sự cải cách hơn nữa về yếu tố nhân sự, con người. Trên thực tế, DN vẫn còn gặp phải vướng mắc.
Ví dụ, khi DN nhập khẩu, một số mã hàng chưa được xác định cụ thể, chính xác. Có thể với suy luận của cán bộ thực thi này thì là mã này, với cán bộ khác là mã khác và tất nhiên, với mỗi mã hàng thì mức thuế lại khác nhau. Do đó, cần rà soát và phân tích, phân loại một số mặt hàng đang còn gây nhiều tranh cãi, nhất là những sản phẩm mới. Sau đó, thông báo cho các cửa khẩu để tránh việc mỗi nơi áp dụng một kiểu.
* PV: Đến thời điểm hiện tại DN của ông có nắm bắt được về các FTA mà Việt Nam tham gia và có sự chuẩn bị như thế nào để đón đầu các tiến trình này?
– Ông Hồ Hoàng Hải: Chúng tôi nghe nói Việt Nam đang ký kết tham gia rất nhiều FTA. Tuy nhiên, hiện phần nhiều DN mới chỉ nắm được tinh thần của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương với những cơ hội và thách thức.
Riêng đối với Phú Thành, qua phân tích, chúng tôi thấy đối với lĩnh vực mà DN đang kinh doanh hiện nay là thiết bị điện, điện tử thì cơ hội nhiều hơn khó khăn. Cụ thể, thay vì trước đây chúng ta phải lặn lội sang tận thị trường các nước để tìm kiếm sản phẩm thì khi mở cửa, họ tự tìm đến và cung cấp cho DN. Và cũng vì thế, nguồn hàng trở nên phong phú hơn, cập nhật được các thiết bị tân tiến nhanh chóng hơn.
Trong hai năm trở lại đây, chúng tôi đã bắt đầu tích lũy nguồn vốn chuẩn bị sẵn sàng đầu tư kinh doanh, tận dụng cơ hội khi hội nhập kinh tế. Bên cạnh đó, DN cũng chú trọng đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, có tay nghề cao cũng như am hiểu công nghệ hiện đại để có thể nhanh chóng bắt tay vào công việc.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tập trung xây dựng thương hiệu và đồng thời, đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Trước khi DN ngoại vào, hay trước khi DN vươn ra bên ngoài, thì cần phải củng cố thị trường trong nước để tạo được chỗ đứng vững chắc cho mình tại “sân nhà”.
* PV: Xin cảm ơn ông!