TẠO LẬP MÔI TRƯỜNG KINH DOANH THUẬN LỢI, SÁT CÁNH CÙNG DOANH NGHIỆP

Sáng ngày 29/06, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị “Một số vấn đề cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp” tại tòa nhà VCCI Chi nhánh TP.HCM với sự tham dự của 200 đại diện doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.

 

Hiệp hội, doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào quá trình cải cách thể chế

“Tôi mong các hiệp hội, doanh nghiệp chúng ta tham gia vào quá trình cải cách thể chế mà Chính phủ đang thực hiện để cùng tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) kêu gọi.

Tại Hội nghị, ông Lộc cho biết, để đạt được chỉ tiêu đặt ra (đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp và là một trong ba nước có môi trường kinh doanh tốt nhất khu vực Asean), Chính phủ đang nỗ lực cải cách thể chế theo hướng hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; phát triển nền kinh tế thị trường với các chuẩn mực quốc tế .

Theo đó, nguyên tắc “người dân được làm những gì pháp luật không cấm; quan chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép” sẽ được áp dụng tuyệt đối. Các chính sách, pháp luật đang được sửa đổi theo hướng chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cụ thể, cơ chế quản lý xin – cho (cấp phép) sẽ thay bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn – tức doanh nghiệp chỉ việc làm theo quy chuẩn, không phải xin phép.

Nhà nước quản lý “theo kiểu” đặt niềm tin vào người dân và doanh nghiệp chứ không phải với tâm thế đề phòng nữa! Ông Chủ tịch VCCI nêu ví dụ: Trước đây kiểm tra 100% hàng hóa thông quan của doanh nghiệp nhưng hiện nay chỉ còn kiểm tra 30%. Rồi ông cho biết, chủ trương của Chính phủ là, tới đây chỉ kiểm tra 10%.

Và, với Nghị quyết 35 của Chính phủ vừa ban hành, theo ông Vũ Tiến Lộc, việc thanh tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện tối đa một năm một lần; và thanh, kiểm tra không phải để soi mói, bắt phạt doanh nghiệp mà trên tinh thần hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật. Đặc biệt không được hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.

Ông Lộc cũng cho biết, một trong những điểm mới của Nghị quyết của Chính phủ là tất cả các văn bản pháp luật trước khi ban hành đều phải có sự phản biện của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, trong 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện (do Chính phủ hướng dẫn) đã được VCCI rà soát lại và kiến nghị loại bỏ gần 40 ngành nghề quy định không hợp lý.

Đối với các quy định về điều kiện kinh doanh trong các dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, ông Lộc cho biết VCCI cũng đã kiến nghị bãi bỏ trên 100 điều kiện không cần thiết, cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…

Ông Lộc khẳng định, mốc thời gian 1-7-2016 không phải là kết thúc việc rà soát các quy định của pháp luật để cải cách thể chế mà đó là mốc bắt đầu. “Các hiệp hội, doanh nghiệp chịu khó đọc các văn bản pháp luật liên quan, nếu thấy bất hợp lý thì có thể cùng VCCI kiến nghị để thay đổi cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế”, ông nói.

Đồng thời, ông Lộc cũng cho biết, với những trường hợp cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đều thấy luật quy định vô lý nhưng vẫn phải thực hiện thì, tới đây, những bất cập đó sẽ được sửa đổi bằng cách “một luật sửa nhiều luật”.

Theo ông Lộc, Chính phủ đã xác định doanh nghiệp dân doanh là động lực quan trọng trong phát triển đất nước nên sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp bằng sự kiến tạo và phục vụ. “Chính phủ đã coi mình là hậu phương của doanh nghiệp nên sự thành bại của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc nhiều vào thái độ tận tâm của Nhà nước”, ông Lộc nói.

Lãnh đạo TP.HCM cam kết luôn kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp

“Lãnh đạo TP tiếp tục sẽ là người bạn đồng hành kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp. Cam kết tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, an toàn, thông thoáng. Tất cả doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều được bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực của TP” – Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định như vậy khi phát biểu tại hội nghị.

Ông Phong chia sẻ dù có những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, kinh tế TP vẫn đang phát triển mạnh mẽ và nhạy bén trước sự thay đổi của yếu tố thị trường. Theo ông Phong, TP đã và đang tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi – ổn định, an toàn- thông thoáng với 280.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn (trong đó có hơn 180.000 doanh nghiệp đang hoạt động), chiếm 31% doanh nghiệp của cả nước.

Ông Phong khẳng định TP.HCM xác định các nhà đầu tư, doanh nghiệp là đội ngũ có những đóng góp to lớn trong xây dựng và hiện đại hóa đất nước. “TP xem doanh nghiệp, nhà đầu tư không chỉ là đối tượng quản lý mà còn là đối tượng cần được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất. Vì sự phát triển của doanh nghiệp cũng chính là sự phát triển của TP” – ông Phong nói.

Người đứng đầu chính quyền TP cũng cam kết: “Lãnh đạo TP tiếp tục sẽ là người bạn đồng hành kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp. Cam kết tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, an toàn, thông thoáng. Tất cả doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều được bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực của TP.

Ngoài ra, TP cũng tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp khởi nghiệp, kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng”.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong vạch ra những công việc trọng tâm TP sẽ tập trung làm để hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể như huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho các dự án thuộc 7 chương trình trọng điểm của TP; ban hành các chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó, tranh thủ thời cơ, hạn chế thấp nhất các thách thức, rủi ro; hỗ trợ mạnh hoạt động khởi nghiệp, nâng cao tinh thần trách nhiệm phụ vụ người dân và doanh nghiệp,….

Đặc biệt, ông Phong nhấn mạnh việc xây dựng môi trường đầu tư ổn định, an toàn, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự. Ông Phong mong muốn cộng đồng doanh nghiệp TP tiếp tục tin cậy, gắn bó mật thiết với chính quyền: “Chính các bạn là kênh góp ý, phản biện rất phong phú cho chính quyền, là cầu nối, là người tư vấn cho chúng tôi giải quyết các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội của TP”.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng đã trao đổi, thảo luận về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị về cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, các giải pháp nâng cao vai trò năng lực hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp.

Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *