Tính đến hết tháng 2/2016, cả nước đã thực hiện cổ phần hóa 20 doanh nghiệp (DN) nhà nước; thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa của 66 DN, xác định giá trị của 79 DN, công bố giá trị của 31 DN và đã thoái vốn gần 142 tỷ đồng.
Thông tin từ Vụ Đổi mới doanh nghiệp – Văn phòng Chính phủ cho biết, 20 DN được cổ phần hóa thuộc các Bộ: Xây dựng, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT); các địa phương gồm: Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh, Kon Tum, Bến Tre và Tập đoàn Công nghiệp Cao su, trong đó có 3 Tổng công ty: Tư vấn xây dựng Việt Nam, Lâm nghiệp Việt Nam và Tổng công ty 36.
Hoạt động thoái vốn nhà nước được thực hiện bởi Tập đoàn Viễn thông Quân đội và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, các đơn vị này đã bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại DN khác với giá trị sổ sách là 141,9 tỷ đồng, thu về 460,6 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, công tác cổ phần hóa và thoái vốn DN nhà nước được tập trung chủ yếu tại những đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT. Bộ NN&PTNT đã tổ chức thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ về phương án tổng thể sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp của 41 địa phương, 1 bộ, 1 tập đoàn, 4 tổng công ty gồm 246 DN. Trong đó có 13 DN giữ 100% vốn nhà nước thực hiện sản xuất, kinh doanh, 57 vốn nhà nước thực hiện dịch vụ công ích, 99 DN chuyển thành công ty cổ phần, 28 DN giải thể…
Theo Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp 210 DN nông, lâm nghiệp. Văn phòng Chính phủ đang thẩm tra, trình Thủ tướng phương án tổng thể sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp của 6 địa phương: Sơn La, Bắc Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghệ An, Tuyên Quang, Thừa Thiên – Huế. Hiện TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội chưa gửi phương án tổng thể sắp xếp các DN trong lĩnh vực này.
Được biết, để thực hiện tốt công tác sắp xếp, tái cơ cấu DN nhà nước giai đoạn 2016-2020 trên nhiều lĩnh vực, các cơ quan chức năng đang hoàn thiện đề án rà soát, đánh giá môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của DN trong lĩnh vực dịch vụ, đề xuất giải pháp thực hiện đến năm 2020; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình cổ phần hóa và thoái vốn của DN, đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí trong quá trình thoái vốn.
Đối với ngành Công Thương, trong quý II/2016 phải trình Chính phủ 4 Nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động đối với các tập đoàn, tổng công ty: Dầu khí, Điện lực, Than- Khoáng sản, Hóa chất.
Để thực hiện tốt công tác sắp xếp, tái cơ cấu DN nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 trên nhiều lĩnh vực, các cơ quan chức năng đang hoàn thiện đề án rà soát, đánh giá môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của DN trong lĩnh vực dịch vụ và đề xuất giải pháp thực hiện đến năm 2020. |