Kỳ vọng chương trình “Made by Vietnam”

(ĐTTCO)-Với mong muốn đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm công nghiệp Việt Nam, gia tăng năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp cơ khí – công nghiệp hỗ trợ (CNHT) – tự động hóa, Hội Doanh nghiệp (DN) Cơ khí – Điện TPHCM (HAMEE) đã giới thiệu chương trình “made by Vietnam” (sản phẩm, máy móc được tạo ra bởi DN Việt). Để hiểu hơn về chương trình này, ĐTTC đã trao đổi với ông ĐỖ PHƯỚC TỐNG, Chủ tịch HAMEE. 
DTTCO

Ảnh minh họa.
 

PHÓNG VIÊN:  – Ông có thể giới thiệu đôi nét về chương trình “made by Vietnam”  HAMEE đang triển khai? 
Ông ĐỖ PHƯỚC TỐNG: – Ngành cơ khí, tự động hóa luôn được xem là xương sống của nền kinh tế, nhưng lâu nay chưa thực sự phát triển như mong muốn. Hầu hết DN chế biến, chế tạo vẫn nhập khẩu máy móc thiết bị từ nước ngoài, do máy móc trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu.
Điều này đã thúc đẩy chúng tôi đưa ra chương trình “made by Vietnam”, với mục tiêu gia tăng năng lực cạnh tranh cho DN ngành công nghiệp cơ khí, tự động hóa, thúc đẩy nền sản xuất công nghiệp và tiêu thụ nội địa mạnh mẽ. 
Để làm được việc này chúng tôi sẽ phải thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng như khảo sát, phân tích thông tin thị trường từ đơn vị sử dụng cuối (end users). Cụ thể, chúng tôi sẽ xác định thực trạng, khảo sát nhu cầu của DN thuộc các ngành chế biến, chế tạo là end users có hoạt động đầu tư tại TPHCM và các địa phương lân cận thuộc các ngành nghề khác như chế biến gỗ, cao su – nhựa, dây cáp điện, chế biến lương thực thực phẩm…
Họ là những DN có nhu cầu sử dụng nguồn cung ứng đầu vào là máy móc thiết bị linh phụ kiện và các giải pháp tự động hóa. Chúng tôi cũng sẽ khảo sát nhu cầu, năng lực của DN cơ khí điện – tự động hóa – CNHT để xác định những điểm cần hỗ trợ.
– Nhưng để máy móc Việt Nam chinh phục DN tại thị trường nội địa cần có điểm mạnh so với máy móc nhập khẩu, thưa ông?
– Trước khi nói về các sản phẩm máy móc công nghiệp, tôi muốn nói lại câu chuyện của ngành hàng tiêu dùng. Trước đây người tiêu dùng trong nước rất chuộng hàng ngoại vì tin tưởng chất lượng và thương hiệu hàng ngoại nhập. Dần dần hình thành tâm lý chuộng hàng ngoại, còn hàng trong nước phải mất nhiều thời gian mới chinh phục được người tiêu dùng nội.
Đặc biệt, trong hành trình này Nhà nước đã phải hỗ trợ khi phát động chiến dịch “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Và khi sử dụng rồi, người tiêu dùng cũng thừa nhận nhiều mặt hàng của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh về giá và chất lượng với hàng ngoại nhập. 
Hàng công nghiệp cũng vậy, chúng tôi cần có thời gian chinh phục trước tâm lý chuộng nhập máy móc ngoại. Do vậy chúng tôi mong có chiến dịch DN Việt Nam ủng hộ sản phẩm công nghiệp Việt Nam. Tất nhiên, muốn bán được hàng sản phẩm của chúng tôi phải cạnh tranh về giá và chất lượng với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu, bên cạnh những thông điệp truyền thông mạnh mẽ ủng hộ DN trong nước.
Có thể thấy uy tín của nhà sản xuất Việt Nam chưa cao bằng nhà sản xuất nước ngoài, nhưng không có nghĩa là chất lượng hàng hóa không bằng. Cũng vì tâm lý chuộng hàng nhập mới sinh ra nghịch lý: không ít DN tìm đường xuất khẩu sản phẩm của mình ra nước ngoài, sau đó hàng này gắn mác ngoại bán cho thị trường trong nước. Chúng tôi muốn thay đổi điều này. 
Với thiết bị made by Vietnam, việc bảo hành, hỗ trợ kỹ thuật nhanh hơn nhiều so với máy nhập ngoại. Với các đại lý cung cấp máy nhập ngoại, nhân viên bảo hành thường chỉ xử lý những lỗi rất đơn giản, khi có vấn đề sâu hơn sẽ mời chuyên gia từ nước ngoài vào, rất tốn kém chi phí và mất nhiều thời gian. Với máy made by Vietnam, mọi việc đơn giản và nhanh chóng hơn do đội ngũ kỹ thuật đều ở trong nước.
– Ông có nói đến việc thúc đẩy liên kết giữa các DN, hình thành cụm công nghiệp cơ khí điện. Nhưng việc hình thành cụm công nghiệp vốn không đơn giản, thưa ông? 
– Để máy móc của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh về giá và chất lượng, việc liên kết giữa các DN trong chuỗi sản xuất linh kiện, phụ tùng và sản phẩm cuối cùng hết sức quan trọng. Bởi chỉ khi đầu tư sản xuất chuyên sâu tính hiệu quả mới cao, giá thành mới tốt.
Song thực tế hiện nay do điều kiện nhiều DN vẫn sản xuất trong các nhà xưởng cũ trong các khu dân cư, chưa thể tập trung về cùng một khu, khiến việc liên kết giữa DN bị ảnh hưởng. Khi các DN ở quá xa nhau, nếu phối hợp, chi phí logistics sẽ làm tăng giá thành. 
Hiện nay ở TPHCM, ngoài khu công nghệ cao do Nhà nước đầu tư, các cụm công nghiệp đều do DN đầu tư. Như vậy sẽ không thể có giá ưu đãi cho DN khi muốn chuyển vào khu công nghiệp hình thành các cụm công nghiệp ngành.
Vì thế, chúng tôi rất mong  có thể hình thành các cụm công nghiệp do Nhà nước đầu tư để hỗ trợ DN ngành công nghiệp và CNHT ngành cơ khí. Hiện chúng tôi đang kỳ vọng Nghị quyết 15/NQ-CP về những giải pháp thúc đẩy ngành CNHT (ban hành ngày 6-8-2020). 
Nhìn sang các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc… sẽ thấy chính phủ hỗ trợ rất nhiều cho ngành cơ khí – tự động hóa trong nước. Chúng ta chưa được như vậy nên tính cạnh tranh của DN trong nước chưa cao. Tôi từng nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho ngành CNHT của Hàn Quốc, thấy DN Hàn được chính phủ hỗ trợ rất tốt.
Còn Việt Nam suốt thời gian dài chính sách thuế nhập khẩu máy móc bằng 0%, trong khi chế tạo máy trong nước phải chịu thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng đặc chủng, đã kìm hãm sự phát triển của DN cơ khí nội. 
– Xin cảm ơn ông.

Thanh Dung (thực hiện)

Nguồn tin: saigondautu.com.vn

Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *