Ngày 16/05/2016, Hội DN Cơ Khí – Điện TPHCM (HAMEE) và Trường Cao Đẳng Kinh tế – Kỹ thuật TPHCM (HOTEC) đã tiến hành Lễ ký kết Biên bản Ghi nhớ Hợp tác Đào tạo.
Hội là cầu nối tạo mối liên kết và gắn kết bền vững giữa Nhà trường (NT) với Doanh nghiệp (DN). Từ đó, nâng cao uy tín của NT trước những yêu cầu của thị trường lao động đa dạng và luôn biến động. Đồng thời, nâng tầm hình ảnh Hội đối với DN Hội viên. Và DN có thể yên tâm về đội ngũ nhân lực vững chắc hỗ trợ khi mình có nhu cầu.
Về phía Nhà trường, nhận được hỗ trợ từ doanh nghiệp trong liên kết đào tạo sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên. Định hướng đào tạo gắn kết với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp sẽ đảm bảo cho sinh viên có được những kiến thức thực tế cũng như cơ hội nắm bắt nghề nghiệp. Ngoài kiến thức đạt được, sinh viên còn được trang bị thêm nhiều kỹ năng và kinh nghiệm khi được doanh nghiệp tạo điều kiện hỗ trợ về tiền lương, môi trường làm việc nhóm và nhiều chính sách ưu đãi khác.
Về phía doanh nghiệp, khi tham gia liên kết đào tạo, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn khi sử dụng được nguồn nhân lực tại địa phương, có tri thức và kỹ năng đáp ứng theo nhu cầu cho DN.
Như vậy, đầu ra quá trình đào tạo của NT là đầu vào của quá trình tuyển dụng, sử dụng lao động của DN.
Trách nhiệm của các Bên liên quan:
Phía Hội & DN:
- DN cùng tham gia đào tạo bằng cách góp ý kiến về xây dựng, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo thông qua việc cung cấp thông tin, phản biện nội dung chương trình đào tạo qua đó NT có thể chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế.
- Hội phối hợp với DN cử các chuyên viên, chuyên gia, kỹ sư tham gia trực tiếp giảng dạy hoặc hướng dẫn thực hành tại NT hoặc tại DN.
- Hội phối hợp với các sở ngành tổ chức các Hội thảo chuyên đề, đặc biệt về lĩnh vực KHCN mới, kỹ thuật tiên tiến.
- Hội phối hợp với DN tiếp nhận và sắp xếp cho Học sinh Sinh viên tham quan, kiến tập và thực tập.
- Hội tạo điều kiện tiếp nhận và sắp xếp cho các giảng viên đến DN học hỏi kinh nghiệm, thực tập sản xuất hoặc trao đổi những vướng mắc giữa chương trình đào tạo và yêu cầu của thực tế.
- Hội thông báo các nhu cầu tuyển dụng của DN Hội viên đến Nhà trường.
Phía Nhà trường:
- Gắn kết với DN trong việc xây dựng chương trình đào tạo. Từ sự tham khảo nhu cầu thị trường và DN, NT xây dựng khung chương trình giảng dạy, biên soạn và cải tiến giáo trình giảng dạy cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu của từng giai đoạn phát triển.
- Kiểm tra chặt chẽ, sâu sát chất lượng của sinh viên, thực hiện phương pháp đánh giá từ bên ngoài (người sử dụng lao động) kết hợp với đánh giá bên trong (nhà trường).
- Tạo điều kiện cho GV, HSSV tham gia tham gia các Hội thảo chuyên đề do Hội tổ chức
- Giới thiệu GV, HSSV đến kiến tập, thực tập tại DN
- Tham gia công tác nghiên cứu, sản xuất mẫu, gia công khi có yêu cầu
Trong nền kinh tế thị trường phát triển, VN ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng trong khu vực và trên thế giới thì mối gắn kết giữa NT và DN là rất quan trọng xuất phát từ yêu cầu khách quan của quy luật cung cầu, đảm bảo hài hòa lợi ích từ các bên. Có thể khẳng định rằng mối gắn kết bền vững giữa NT và DN có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo của NT, đồng thời là nguồn nhân lực chất lượng đầu vào của DN. Vì vậy, xây dựng và củng cố mối gắn kết bền vững giữa NT và DN trong việc phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu cấp bách, là nhiệm vụ bắt buộc và là đòi hỏi của xã hội. NT và DN cần phải có những giải pháp đồng bộ và tối ưu nhằm xây dựng và phát triển mối gắn kết bền vững này.
Nguồn tin: Ban Thư ký HAMEE