Quyết định rời Liên hiệp châu Âu của cử tri Anh (Brexit) là một hồi chuông cảnh tỉnh để ASEAN cân nhắc tiến trình hội nhập sao cho sát với nhu cầu của người dân chứ không phải để phục vụ các dự án của giới thượng lưu, theo nhìn nhận của Bộ trưởng Thương mại Indonesia Thomas Lembong.
Gần 52% cử tri Anh tán thành Brexit vì họ bất mãn với nhiều chính sách của EU áp đặt lên các nước thành viên, mà nổi bật là chính sách tự do nhập cư, dẫn tới những căng thẳng trên thị trường lao động. Sâu xa hơn, như tờ Huffington Post (Mỹ) nhận định, Brexit là “một cuộc binh biến” của những người bị bỏ lại đằng sau trong tiến trình toàn cầu hóa chống lại giới thượng lưu thành thị. Đa số những cử tri Anh chọn Brexit là những người già, giới trung lưu ở tầng thấp và những người thất nghiệp.
Cần quan tâm đến người dân hơn
Bộ trưởng Thương mại Indonesia Lembong kêu gọi các nhà lãnh đạo ASEAN hãy dành nhiều thời gian và tâm huyết cho người dân trong bối cảnh ASEAN đang trong tiến trình hội nhập nhanh chóng với quyết định xóa bỏ các hàng rào thuế quan và đặt lộ trình bãi bỏ các hàng rào phi thuế quan trong nội bộ ASEAN vào năm 2025.
“Tôi lo ngại trong phạm vi ASEAN có một mối nguy tương tự rằng ASEAN sẽ trở thành một dự án của giới thượng lưu và chúng tôi chưa dành đủ thời gian, tiền bạc và nỗ lực để đưa ASEAN gần gũi với người dân”, ông Lembong nói.
Ông nhấn mạnh: “Brexit phải là hồi chuông cảnh tỉnh để chúng tôi, các bộ trưởng thương mại các nước ASEAN, phải đưa ra các thỏa thuận kinh tế, thương mại dựa trên lợi ích cộng đồng, ủng hộ người dân rõ ràng hơn và giảm phụ thuộc vào thuyết “chảy dần xuống”. Thuyết chảy dần xuống (tricke-down) cho rằng, cần làm lợi cho giới thượng lưu trước rồi cuối cùng, tầng lớp lao động và yếu thế cũng sẽ được hưởng lợi.
Không vội vàng
Lâu nay, khi đem ra so sánh với EU, ASEAN thường bị chỉ trích là chậm hội nhập, liên tục bỏ lỡ các thời hạn cuối cùng. Song, chủ trương của ASEAN đặt ra thời hạn hội nhập không quá chặt chẽ, tránh quyết định vội vàng về các vấn đề hóc búa như cho phép tự do di chuyển người lao động… có thể thực sự giúp duy trì sự đoàn kết của khối.
Giám đốc các vấn đề cộng đồng của ASEAN Lee Yoong Yoong cho rằng tác động rộng lớn của Brexit vẫn còn là ẩn số nhưng việc cử tri Anh chọn Brexit củng cố một gợi ý rằng, ASEAN nên triển khai tiến trình hội nhập theo tốc độ riêng của mình. “Chúng tôi phải hội nhập theo tốc độ riêng của chúng tôi. Chúng tôi không nên bận tâm đến những gì phương Tây hay người châu Âu hối thúc chúng tôi phải làm”, ông Lee Yoong Yoong nói trong một cuộc phỏng vấn.
“Một trong những bài học rút ra từ Brexit, nhìn từ góc độ của ASEAN, là không thể phớt lờ tiếng nói của người dân. Đây là lý do tại sao ASEAN luôn luôn tập trung vào câu hỏi làm sao chúng tôi có thể mang lại lợi ích đến cho người dân một cách tốt nhất. Chúng tôi muốn bảo đảm rằng mọi người tiến bộ cùng lúc”, ông nói tiếp.
Ông Yoong cho rằng Brexit sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) trong tương lai giữa EU và ASEAN, khu vực có 630 triệu dân sống trong một nền kinh tế với GDP lên tới 2.500 tỉ đô la/năm, kim ngạch thương mại hàng năm với EU ước tính đạt 228 tỉ đô la Mỹ.
Tác động tiêu cực đối với ASEAN
Đại sứ lưu động của Singapore Bilahari Kausikan nhận định đang tồn tại rủi ro lớn về tác động tiêu cực của Brexit đối với ASEAN. Ông ghi nhận cho đến nay, Brexit đã khiến môi trường kinh tế thế giới thêm bất ổn và khó khăn. Brexit cũng tác động gián tiếp đến các nỗ lực hội nhập của ASEAN vì sự kiện này khiến những điều kiện chính trị cho hội nhập trở nên cam go hơn.
Kausikan nói ông nhìn thấy trong cơ cấu của EU có nhiều điều tiêu cực hơn là một hình mẫu: “Chỉ có EU tự lừa dối mình rằng tổ chức này là một hình mẫu. Chúng tôi luôn nghĩ rằng hình mẫu của EU là phi hiện thực và thực sự không tưởng”.
Termsak Chalermpalanupap, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Pháp luật quốc tế thuộc Đại học Singapore, người trước đây làm việc ở Ban Thư ký ASEAN, cho biết: “Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Anh gây bất ngờ cho tất cả chúng tôi ở ASEAN đến mức chúng tôi không thể giả định rằng hợp tác khu vực sẽ tiếp tục tiến triển theo chiều hướng đi lên tích cực”.
Cùng quan điểm như vậy, Ei Sun Oh, nhà phân tích cấp cao ở Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng (Singapore) nhận định: “EU đã bị xói mòn giá trị từ một mô hình lý tưởng về một châu Âu rộng lớn vì hòa bình, thịnh vượng trở thành một khối hỗn độn hành chính, cứng nhắc, không có tính giải trình trách nhiệm và bắt đầu bộc lộ xu hướng độc tài trong nội bộ”.